MENU

1 Thủ tục: Giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân tại Công an cấp xã



Dịch vụ hành chính công mức độ 2

3Chi tiết thủ tục:

Thủ tục

Giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân (phải là cán bộ thuộc biên chế của lực lượng Công an xã).

Thời hạn giải quyết

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Đối tượng thực hiện

Cá nhân, tổ chức.

Thẩm quyền giải quyết

Trưởng Công an xã.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Lệ phí

Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Đảm bảo đúng quy định tại Điều 2, Điều 8 và Điều 11 Luật Khiếu nại, cụ thể là:

a) Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

b) Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 12, Điều 16 Luật khiếu nại.

c) Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại.

d) Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

đ) Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

Cơ sở pháp lý

+ Luật Khiếu nại (Luật số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011).

+ Nghị định số Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

+ Thông tư số Thông tư số 19/2022/TT-BCA, ngày 29/4/2022 của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.

+ Thông tư số 23/2022/TT-BCA, ngày 16/5/2022 của  Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.

+ Thông tư 54/2017/TT-BCA, ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 60/2014/TT-BCA ngày 18 tháng 11 năm 2014 Quy định biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của Công an nhân dân.

Trình tự thực hiện

Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại: Theo Điều 8 Thông tư số 19/20212/TT-BCA:

- Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật (khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp xã theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022). Nếu khiếu nại thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 thì cán bộ xử lý đơn phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và thông báo bằng văn bản về việc không thụ lý đơn cho người khiếu nại biết.

- Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an tiếp nhận đơn:

+ Cán bộ xử lý đơn căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư này, đề xuất chuyển khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết;

+ Thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại đến;

Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phải thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết; trường hợp không thụ lý giải quyết phải thông báo rõ lý do.

Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại:

Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 28 Luật khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm:

- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp. Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay không cần phải tiến hành xác minh, kết luận theo trình tự quy định.

- Trường hợp cần phải tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình xác minh hoặc giao cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. Việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật khiếu nại và Thông tư số 23/2022/TT-BCA, ngày 16/5/2022 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.

Bước 4: Tổ chức đối thoại:

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền giải quyết trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại, thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại. Khi đối thoại, đại diện cơ quan Công an có thẩm quyền nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền tham gia ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến việc khiếu nại và yêu cầu của mình. Việc đối thoại được lập thành biên bản ghi đầy đủ nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thông nhất, những nội dung còn có ý kiến khác nhau (nếu có) và các bên cùng ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do, biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại:

Trưởng Công an cấp xã ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và trong thời hạn 3 ngày làm việc phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

Thành phần hồ sơ

+ Thành phần hồ sơ: Quy định tại Luật khiếu nại

a) Thông báo thụ lý khiếu nại.

b) Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại.

c) Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp.

d) Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có).

đ) Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có).

e) Quyết định giải quyết khiếu nại.

g) Các tài liệu khác có liên quan.

+ Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

   

CÔNG AN TỈNH LẠNG SƠN

© 2024 Bản quyền thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn

Giấy phép số: 08/GP-STTTT, ngày 17 tháng 08 năm 2018 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn

Địa chỉ: Số 15 - đường Hoàng Văn Thụ - phường Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn - tỉnh Lạng Sơn

Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chung nhan Tin Nhiem Mang