MENU

Thông báo

Lấy ý kiến cử tri đối với nội dung nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn và thành lập các phường thuộc thành phố Lạng Sơn

15-05-2024

TÓM TẮT ĐỀ ÁN

Nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn

và thành lập các phường thuộc thành phố Lạng Sơn

(Phục vụ tổ chức lấy ý kiến cử tri)

––––––––––––––––––––

I. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

1. Phương án nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn

1.1. Nội dung phương án:

Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của huyện Cao Lộc (có diện tích tự nhiên là 619,09 km2, đạt 72,83% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 87.403 người, đạt 546,3% so với tiêu chuẩn) vào thành phố Lạng Sơn (có diện tích tự nhiên là 77,94 km2, đạt 51,96% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 110.005 người, đạt 146,7% so với tiêu chuẩn) để mở rộng thành phố Lạng Sơn.

Sau khi sắp xếp, thành phố Lạng Sơn tiếp giáp với các huyện: Văn Lãng, Văn Quan, Chi Lăng, Lộc Bình thuộc tỉnh Lạng Sơn; có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc.

Nơi đặt trụ sở làm việc của thành phố Lạng Sơn sau sắp xếp: trụ sở chính đặt tại trụ sở của UBND thành phố Lạng Sơn hiện nay.

1.2. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp

Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và thương mại của tỉnh Lạng Sơn, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa - du lịch - thương mại của cả nước với Trung Quốc và ra thế giới.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền các cấp, giám sát của Hội đồng nhân dân, sự nỗ lực, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thành phố Lạng Sơn đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng: phát triển thành phố Lạng Sơn trở thành 01 trong 05 cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Với lịch sử hình thành và đặc điểm vị trí địa lý, thành phố Lạng Sơn hiện hữu có vị trí cơ bản nằm trọn vẹn trong phạm vi địa giới hành chính của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, gồm 08 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (05 phường và 03 xã), có diện tích tự nhiên 77,94 km2, quy mô dân số 110.005 người. Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc tỉnh yêu cầu diện tích tối thiểu phải đạt 150 km2; số ĐVHC cấp xã trực thuộc phải có từ 10 đơn vị trở lên. Đối chiếu với tiêu chuẩn quy định, thành phố Lạng Sơn hiện tại chỉ đạt 51,96% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và 80% về số ĐVHC cấp xã trực thuộc.

Trước xu thế phát triển và yêu cầu thực tiễn về quy hoạch và phát triển đô thị hiện nay, không gian đô thị thành phố Lạng Sơn hiện hữu quá nhỏ hẹp so với tốc độ đô thị hóa, mật độ dân số tại khu vực nội thành cao (7.120 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Vì vậy, việc sắp xếp, nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn sẽ là điều kiện để thành phố Lạng Sơn đáp ứng được các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc tỉnh theo quy định pháp luật; đồng thời làm cơ sở để thành phố Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển không gian đô thị, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố biên giới văn minh, hiện đại có tốc độ phát triển cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược của tỉnh, nâng cao vị thế của thành phố Lạng Sơn cũng như của của tỉnh Lạng Sơn đối với đất nước và cả trong quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, việc mở rộng thành phố Lạng Sơn là một bước cụ thể hóa Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2045 đang được triển khai xây dựng. Trong đó, định hướng quy hoạch mở rộng phạm vi đô thị thành phố Lạng Sơn bao gồm địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn hiện hữu (77,94 km2) và toàn bộ địa giới hành chính của huyện Cao Lộc (619,09 km2).

Từ những lý do trên, việc sắp xếp, nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn để mở rộng không gian đô thị thành phố Lạng Sơn là yêu cầu cấp thiết và tất yếu, phù hợp với các định hướng, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và là bước đi hết sức quan trọng nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế tỉnh Lạng Sơn, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.

2. Phương án sắp xếp thành lập các phường thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng

Sau khi nhập toàn bộ huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, thực hiện sắp xếp thành lập các phường thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng, cụ thể như sau:

2.1. Nhập xã Hợp Thành với thị trấn Cao Lộc (thuộc diện phải sắp xếp) để thành lập phường

2.1.1. Nội dung sắp xếp

 Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Hợp Thành (có diện tích tự nhiên là 9,21 km2, đạt 18,4% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 3.864 người, đạt 309,1% so với tiêu chuẩn) với thị trấn Cao Lộc (có diện tích tự nhiên là 2,75 km2, đạt 19,6% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 9.614 người, đạt 240,4% so với tiêu chuẩn) để thành lập phường mới thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng; phường mới sau khi thành lập dự kiến lấy tên là phường Cao Lộc.

2.1.2. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp

- Thị trấn Cao Lộc có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, thuộc nhóm phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Sau khi thực hiện nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, ĐVHC đô thị cấp xã thuộc huyện cũng đồng thời cần được xem xét để chuyển đổi thành phường để phù hợp với mô hình, cơ cấu tổ chức ĐVHC trực thuộc thành phố theo quy định tại Hiến pháp năm 2013.

- Về lịch sử hình thành, năm 1994 thị trấn Cao Lộc được Chính phủ quyết định thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Hợp Thành. Do vậy, về cơ bản Nhân dân thuộc thị trấn Cao Lộc và xã Hợp Thành có sự tương đồng về thành phần dân tộc, văn hoá, tín ngưỡng và có sự gắn bó lâu đời với nhau, thuận lợi cho việc thực hiện nhập hai ĐVHC để thành lập phường.

- Việc nhập xã Hợp Thành với thị trấn Cao Lộc để thành lập phường sẽ giảm số lượng ĐVHC, góp phần vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Sau khi thành lập, phường Cao Lộc tiếp giáp với các ĐVHC cấp xã: phường Đông Kinh, phường Vĩnh Trại, phường Hoàng Văn Thụ, phường Hoàng Đồng (mới thành lập), phường Mai Pha (mới thành lập), xã Gia Cát, xã Hoà Cư, xã Thạch Đạn thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng.

Nơi đặt trụ sở làm việc của phường Cao Lộc: tại trụ sở của xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc hiện nay.

2.2. Thành lập phường Đồng Đăng

2.2.1. Nội dung sắp xếp

Thành lập phường Đồng Đăng trên cơ sở nguyên trạng thị trấn Đồng Đăng (có diện tích tự nhiên 4,6 km2, đạt 32,9% tiêu chuẩn; quy mô dân số 9.772 người, đạt 244,3% tiêu chuẩn).

Sau khi thành lập, phường Đồng Đăng tiếp giáp với các ĐVHC: xã Hồng Phong, xã Phú Xá, xã Bảo Lâm thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng; xã Tân Mỹ thuộc huyện Văn Lãng; có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc.

Nơi đặt trụ sở làm việc của phường Đồng Đăng: tại trụ sở của UBND thị trấn Đồng Đăng hiện nay.

2.2.2. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp

- Sau khi thực hiện nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, ĐVHC đô thị cấp xã thuộc huyện (thị trấn) cũng đồng thời cần được xem xét chuyển đổi thành phường để phù hợp với mô hình, cơ cấu tổ chức ĐVHC trực thuộc thành phố theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

- Thành lập phường Đồng Đăng thuộc thành phố Lạng Sơn với định hướng phát triển trở thành trung tâm đô thị biên giới hiện đại, là trung tâm động lực phát triển của thành phố Lạng Sơn với thế mạnh là kinh tế cửa khẩu, dịch vụ, thương mại và du lịch.

2.3. Thành lập phường Hoàng Đồng

2.3.1. Nội dung sắp xếp

Thành lập phường Hoàng Đồng trên cơ sở nguyên trạng xã Hoàng Đồng (có diện tích tự nhiên 25,01 km2 , đạt 50,0% tiêu chuẩn; quy mô dân số 13.945 người, đạt 1.115,6% tiêu chuẩn).

Sau khi thành lập, phường Hoàng Đồng tiếp giáp với các ĐVHC: phường Cao Lộc (mới thành lập), phường Hoàng Văn Thụ, phường Tam Thanh, phường Chi Lăng, xã Thuỵ Hùng, xã Thạch Đạn, xã Bình Trung, xã Quảng Lạc thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng.

Nơi đặt trụ sở làm việc của phường Hoàng Đồng: tại trụ sở UBND xã Hoàng Đồng hiện nay.

2.3.2. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp

          - Xã Hoàng Đồng là đơn vị hành chính nông thôn thuộc thành phố Lạng Sơn, nằm ở phía Tây Bắc của thành phố. Trên địa bàn xã có tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 235C và các trục đường chính liên xã tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, xã Hoàng Đồng đã được tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng - xã hội, góp phần tạo nên diện mạo đô thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Dự án đô thị Nam Hoàng Đồng đã được đầu tư xây dựng từ năm 2008, hiện nay đã hình thành dân cư khu đô thị, thu hút giãn dân góp phần giảm tải cho khu vực nội thành thành phố. Trên địa bàn xã Hoàng Đồng hiện có trụ sở một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn, Bệnh viện Y học cổ truyền Lạng Sơn và nhiều trụ sở, khu sản xuất, chế biến của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn xã Hoàng Đồng hiện nay còn dự án Mailand Hoàng Đồng đang được triển khai, sẽ góp phần tạo nên một diện mạo đô thị mới, văn minh, hiện đại cho thành phố Lạng Sơn trong tương lai.

- Việc thành lập phường Hoàng Đồng trên cơ sở xã Hoàng Đồng sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực quản lý nhà nước các lĩnh vực theo mô hình chính quyền đô thị (quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường…), trước yêu cầu và xu thế tất yếu của quá trình đô thị hoá hiện nay. Đồng thời góp phần nâng tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Lạng Sơn, phù hợp với mô hình tổ chức ĐVHC của thành phố trực thuộc tỉnh.

- Xã Hoàng Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, nông thôn mới nâng cao năm 2019 và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

2.4. Thành lập phường Mai Pha

2.4.1. Nội dung sắp xếp

Thành lập phường Mai Pha trên cơ sở nguyên trạng xã Mai Pha (có diện tích tự nhiên 13,58 km2, đạt 27,2% tiêu chuẩn; quy mô dân số 8.316 người, đạt 554,4% tiêu chuẩn).

Sau khi thành lập, phường Mai Pha tiếp giáp với các ĐVHC: phường Đông Kinh, phường Chi Lăng, phường Cao Lộc (mới thành lập), xã Gia Cát, xã Tân Liên, xã Yên Trạch, xã Quảng Lạc thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng.

Nơi đặt trụ sở làm việc của phường Mai Pha: tại trụ sở UBND xã Mai Pha hiện nay.

2.4.2. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp

- Xã Mai Pha là đơn vị hành chính nông thôn thuộc thành phố Lạng Sơn, nằm ở phía Đông Nam của thành phố. Với lợi thế có vị trí địa lý nằm ngay ở cửa ngõ của thành phố, khu vực trung tâm xã có địa hình tương đối rộng và bằng phẳng, giao thông đi lại thuận lợi nên xã Mai Pha có những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ, thương mại, bất động sản và các công trình phụ trợ cho thành phố, như bến bãi, kho chứa hàng, nhà hàng,.... Những năm trở lại đây, với nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của chính quyền và Nhân dân địa phương, tốc độ đô thị hóa tại xã Mai Pha diễn ra nhanh chóng, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thay đổi toàn diện; cảnh quan môi trường có chuyển biến rõ nét; hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Mai Pha đã được đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình hạ tầng - xã hội trọng điểm lớn như: Khu đô thị Mai Pha; khu hành chính, trụ sở cơ quan nhà nước (Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn...).

- Xã Mai Pha được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 và hiện đang phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Thành lập phường Mai Pha góp phần tăng tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã, mở rộng diện tích khu vực nội thị của thành phố Lạng Sơn.

II. ĐÁNH GIÁ TÓM TẮT CÁC TIÊU CHUẨN CỦA ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA VIỆC SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

1. Đối với thành phố Lạng Sơn mở rộng

1.1. Diện tích tự nhiên: 697,03 km2 (đạt 464,68% so với tiêu chuẩn).

1.2. Quy mô dân số: 197.408 người (đạt 263,2% so với tiêu chuẩn).

1.3. Số ĐVHC cấp xã trực thuộc: 29 đơn vị (09 phường, 20 xã), đáp ứng theo quy định.

1.4. Số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã trực thuộc: 9/29 (chiếm tỷ lệ 31,03%), đáp ứng điều kiện thực hiện sắp xếp ĐVHC theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022).

1.5. Đánh giá các tiêu chuẩn khác theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC

1.5.1. Phù hợp với Quy hoạch có liên quan

Sắp xếp, nhập toàn bộ huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024.

Đồng thời đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2045 hiện đang được UBND thành phố Lạng Sơn chủ trì triển khai xây dựng.

1.5.2. Đáp ứng tiêu chí phân loại đô thị đối với thành phố trực thuộc tỉnh

Thành phố Lạng Sơn mở rộng là đô thị có đường biên giới quốc gia nên các tiêu chí về phân loại đô thị được áp dụng đối với đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15). Theo rà soát, đánh giá, thành phố Lạng Sơn mở rộng đáp ứng tiêu chuẩn phân loại đối với thành phố trực thuộc tỉnh (tối thiểu đô thị loại III). Hiện tại UBND thành phố Lạng Sơn đang triển khai xây dựng Đề án phân loại đô thị đối với thành phố Lạng Sơn mở rộng để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Đối với phường Cao Lộc

2.1. Diện tích tự nhiên 11,96 km2 (đạt 217,4% so với tiêu chuẩn).

2.2. Quy mô dân số 13.478 người (đạt 385,1% so với tiêu chuẩn).

2.3. Đánh giá các tiêu chuẩn khác theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC

2.3.1. Phù hợp với Quy hoạch có liên quan

Sắp xếp thành lập phường Cao Lộc trên cơ sở nhập thị trấn Cao Lộc với xã Hợp Thành đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2045 hiện đang được UBND thành phố Lạng Sơn chủ trì triển khai xây dựng.

2.3.2. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường và tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường.

Kết quả rà soát, đánh giá, khu vực địa bàn gồm thị trấn Cao Lộc và xã Hợp Thành đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường; đáp ứng tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường theo quy định.

3. Đối với phường Đồng Đăng

3.1. Diện tích tự nhiên 4,6 km2 (đạt 83,6% so với tiêu chuẩn).

3.2. Quy mô dân số 9.772 người (đạt 279,2% so với tiêu chuẩn).

3.3. Đánh giá các tiêu chuẩn khác theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC

3.3.1. Phù hợp với Quy hoạch có liên quan

Thành lập phường Đồng Đăng trên cơ sở nguyên trạng thị trấn Đồng Đăng đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2045 hiện đang được UBND thành phố Lạng Sơn chủ trì triển khai xây dựng.

2.3.2. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường và tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường.

Kết quả rà soát đánh giá, thị trấn Đồng Đăng đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường; đáp ứng tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường theo quy định.

4. Đối với phường Hoàng Đồng

4.1. Diện tích tự nhiên 25,01 km2 (đạt 454,8% so với tiêu chuẩn).

4.2. Quy mô dân số 13.945 người (đạt 398,4% so với tiêu chuẩn).

4.3. Đánh giá các tiêu chuẩn khác theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC

4.3.1. Phù hợp với Quy hoạch có liên quan

Thành lập phường Hoàng Đồng trên cơ sở nguyên trạng xã Hoàng Đồng đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2045 hiện đang được UBND thành phố Lạng Sơn chủ trì triển khai xây dựng.

4.3.2. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường và tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường.

Kết quả rà soát đánh giá, phường Hoàng Đồng đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường; đáp ứng tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường theo quy định

5. Đối với phường Mai Pha

5.1. Diện tích tự nhiên 13,58 km2 (đạt 246,9% so với tiêu chuẩn).

5.2. Quy mô dân số 8.316 người (đạt 237,6% so với tiêu chuẩn).

5.3. Đánh giá các tiêu chuẩn khác theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC

5.3.1. Phù hợp với Quy hoạch có liên quan

Thành lập phường Mai Pha trên cơ sở nguyên trạng xã Mai Pha đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2045 hiện đang được UBND thành phố Lạng Sơn chủ trì triển khai xây dựng.

5.3.2. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường và tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường.

Kết quả rà soát đánh giá, phường Mai Pha đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường; đáp ứng tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đối với phường theo quy định

III. DANH MỤC CÁC VĂN BẢN, CHỦ TRƯƠNG, ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015.

2. Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

3. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

5. Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

6. Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị; Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

7. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

8. Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. 

9. Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

10. Công văn số 784/BNV-CQĐP ngày 28/02/2021 của Bộ Nội vụ về chủ trương xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

11. Công văn số 7513/BNV-CQĐP ngày 20/12/2023 của Bộ Nội vụ về Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Lạng Sơn.

12. Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

13. Nghị quyết số 81-NQ/TU, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn.

14. Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030.

15. Phương án số 06/PA-UBND ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh về tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2025.

––––––––––––––––––––

 

Tin liên quan





































































































CÔNG AN TỈNH LẠNG SƠN

© 2024 Bản quyền thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn

Giấy phép số: 08/GP-STTTT, ngày 17 tháng 08 năm 2018 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn

Địa chỉ: Số 15 - đường Hoàng Văn Thụ - phường Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn - tỉnh Lạng Sơn

Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chung nhan Tin Nhiem Mang