Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Hoạt động Công an tỉnh

QUY ĐỊNH MỚI VỀ BỎ SỔ HỘ KHẨU, SỔ TẠM TRÚ TỪ NGÀY 01/01/2023

27-12-2022

QUY ĐỊNH MỚI VỀ BỎ SỔ HỘ KHẨU, SỔ TẠM TRÚ TỪ NGÀY 01/01/2023

Từ ngày 01/01/2023, khi thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế, đất đai, nhà ở, giáo dục người dân sẽ không phải nộp hay xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Người dân sẽ không cần nộp bản phô tô chứng thực hay xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính

Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng trong các thủ tục hành chính. Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Thượng tá Trần Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính chỉ cần xuất trình một trong các giấy tờ gồm Căn cước công dân (CCCD), giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Quy định hiện nay là phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc các giấy tờ, tài liệu về cư trú.

Nghị định này cũng nêu rõ việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong CSDLQG về dân cư được thực hiện qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với CSDLQG về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cán bộ được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VnelD, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với CSDLQG về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên CCCD gắn chip điện tử…

Căn cước công dân gắn chíp điện tử và tài khoản định danh điện tử thay thế cho nhiều loại giấy tờ trong đó có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Trong trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Nhiều lợi ích khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Theo quy định của Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân có những thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong CSDLQG về dân cư. Đồng thời, không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Trước khi quy định về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được thi hành, lực lượng Công an đề nghị mọi người dân đến độ tuổi (từ đủ 14 tuổi trở lên) cần khẩn trương đến cơ quan Công an để làm CCCD gắn chip điện tử. Người dân cũng có thể đến Công an xã, phường, thị trấn nơi mình sinh sống hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hay Cổng dịch vụ công quốc gia để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin cư trú, từ đó sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế khi cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin liên quan. Những công dân đã có CCCD thì cần triển khai đăng ký tài khoản định danh điện tử, sau đó có thể xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID trên điện thoại cá nhân để chứng minh nhân thân thay căn cước công dân gắn chip điện tử.

Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Trong đó, mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Ở mức 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng. Đối với mức 2, tài khoản này có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Với tài khoản này, người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, chuyển tiền...). Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương căn cước công dân gắn chip. Để đăng ký tài khoản định danh điện tử, người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại di động hoặc đến cơ quan công an địa phương để làm thủ tục.

Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính thay thế cho xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí in ấn, sao chép và thời gian đi lại của Nhân dân./.

NGUYỆT MY

Công an tỉnh Lạng Sơn

 

 

 

 

Tin liên quan