Giải đáp thắc mắc của công dân liên quan đến Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Căn cước công dân gắn chíp
14-06-2021
Câu 1: Lợi ích khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, vận hành, khai thác?
Trả lời:
Khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, vận hành, khai thác sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, tiện lợi và hiệu quả cho người dân. Cụ thể:
1. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ thay đổi phương thức quản lý nhà nước về dân cư từ việc thủ công (quản lý bằng Sổ hộ khẩu giấy) sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân. Theo Luật Cư trú 2020, thời gian tối đa giải quyết đăng ký thường trú rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 7 ngày. Ngoài ra, thông qua cổng dịch vụ công, người dân có thể thực hiện việc khai báo hồ sơ và gửi yêu cầu giải quyết đăng ký cư trú đến cơ quan chức năng.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
3. Việc sử dụng số định danh cá nhân và tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của Nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
4. Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
5. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ lỉệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.
Câu 2: Hiệu quả, tiện ích của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử?
Trả lời:
Khi nhận được thẻ CCCD có gắn chip, tôi nhận thấy rất bất ngờ về những điểm mới của thẻ và những tiện ích mang lại.
Thẻ CCCD được thiết kế đẹp, bền, có gắn chip điện tử, mã QRcode, mã MRZ và song ngữ tiếng Anh phù hợp với việc giao lưu, hội nhập trong khu vực và trên quốc tế.
Mã QRcode khi sử dụng Smartphone quét đưa ra được các thông tin cơ bản như: (1) Số CCCD; (2) Họ và tên; (3) Giới tính; (4) Nơi thường trú; (5) Ngày cấp; (6) Số CMND 9 số đã được cấp.
Ngoài ra, theo như trên báo đài và các phương tiện truyền thông, tôi được biết trên chip lưu trữ hơn 14 trường thông tin của công dân: (1) Số CCCD; (2) Họ và tên, Họ và tên gọi khác; (3) Ngày, tháng, năm sinh; (4) Giới tính; (5) Quốc tịch; (6) Dân tộc; (7) Tôn giáo; (8) Quê quán; (9) Nơi đăng ký thường trú; (10) Đặc điểm nhận dạng; (11) Ngày cấp; (12) Ngày hết hạn; (13) Họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; (14) Sổ CMND đã được cấp; (15) Ảnh chân dung; (16) Đặc điểm trích chọn vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt, và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác).
Giờ đây, khi sử dụng thẻ CCCD có gắn chip, tôi cảm thấy rất tiện lợi bởi vì thẻ CCCD có gắn chip hiện nay có thể thay thế cho:
1. Thay thế sổ hộ khẩu.
2. Thẻ CCCD mói có chứa số CMND cũ trong chip, do đó không phải xin xác nhận hoặc làm chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến số CMND cũ.
3. QRcode trên thẻ CCCD mới cho phép dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần khai báo, không phải nhập bằng tay.
4. Không sợ bị lợi dụng danh tính khi bị mất thẻ CCCD cũng như bị làm giả thẻ CCCD vì mức độ bảo mật cũng như chống làm giả của thẻ CCCD gắn chip rất cao.
5. Tôi rất yên tâm khi thực hiện các giao dịch ngân hàng, tài chính, bất động sàn, viễn thông hay các loại giao dịch quan trọng khác vì trong thẻ CCCD gắn chip có xác thực sinh trắc học dùng để xác thực giao dịch với mức độ an toàn rất cao.
6. Rất thuận tiện khi các dịch vụ chính phủ điện tử, ngân hàng, viễn thông cho phép thực hiện được trực tuyến từ xa thông qua điện thoại di động, máy tính, không cần phải đến tận nơi để giao dịch, do có cơ chế xác thực CCCD điện tử cũng như xác thực sinh trắc học từ xa.
7. Tôi thấy sau khi nhận được thẻ CCCD có gắn chip có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức.
Câu 3: Việc nhập khẩu, tách khẩu từ 01/7 được thực hiện ở đâu? Tại Công an huyện, quận hay chỉ cần ra công an xã, phường để hoàn thiện thủ tục?
Trả lời:
Việc đăng ký thường trú được thực hiện rất thuận tiện, công dân có thể đến Công an xã, phường, thị trấn và Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã để đăng ký.
Câu 4: Mã số định danh có vai trò gì liên quan đến quá trình quản lý cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu giấy?
Trả lời:
Số định danh cá nhân được sinh ra sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp cho công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó hệ thống quản lý dân cư trên toàn quốc được coi là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của bộ, ngành thông qua mã số định danh cá nhân.
Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu là bước đột phá trong việc quản lý dân cư, thay thế phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và thẻ CCCD để phục vụ công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Câu 5: Tôi đã cắt khẩu ở địa phương nhưng do điều kiện cá nhân, quá thời hạn không làm thủ tục nhập khẩu ở nơi mới và lại bị mất giấy cắt khẩu thì phải làm gì? Mã số định danh có giải quyết được việc này không?
Trả lời:
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Trường hợp công dân đã được cấp giấy chuyển hộ khẩu nhưng làm mất thì công dân trở lại cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chuyển hộ khẩu và đề nghị xác nhận các thông tin theo đúng nội dung giấy chuyển hộ khẩu đã cấp trước đây để thực hiện việc đăng ký cư trú theo đúng quy định.
Câu 6: Các dữ liệu về cư trú có được cập nhật thường xuyên không? Trong bao lâu cập nhật một lần? Người dân có tự động truy cập để bổ sung hay không?
Trả lời:
Dữ liệu cư trú của công dân được cập nhật khi công dân có sự thay đổi về cư trú và thực hiện đăng ký với cơ quan đăng ký cư trú. Việc cập nhật này do cơ quan Công an có trách nhiệm thực hiện, công dân không thể tự động truy cập để bổ sung.
Câu 7: Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của tôi trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng vào việc không tốt, Bộ Công an có biện pháp gì để ngăn chặn?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, đầu tư, xây dựng, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Chia vùng phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, mã hoá dữ liệu thông tin kết hợp với quản lý người dùng. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.
Việc quản lý, sử dụng thông tin cá nhân của công dân được thực hiện theo đúng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của pháp luật. Việc sử dụng thông tin công dân đều phải được sự đồng ý của chủ thể thông tin, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không đúng quy định vào những việc không tốt thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật (xử phạt hành chính, nặng hơn là truy tố hình sự).
Câu 8: Trong trường hợp doanh nghiệp, cơ quan nhà nước lấy lý do chưa kết nối và yêu cầu xuất trình hộ khẩu khi sổ đã bị thu hồi tôi phải làm như nào?
Trả lời:
Trường hợp khi doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu khi sổ hộ khẩu đã bị thu hồi thì công dân có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú.
Mặt khác, hiện nay Bộ Công an đang triển khai sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân có gắn chip điện tử, khi quét mã QRcode trên thẻ Căn cước công dân điện tử sẽ có những thông tin cơ bản của công dân.
Câu 9: Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với công dân và cơ quan công quyền được tối giản và tiết kiệm thời gian, chi phí như thế nào?
Trả lời:
Dự án Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư độc lập với nhau về cơ sở pháp lý, đối tượng sử dụng, đối tượng phục vụ và mục tiêu dự án nhưng được lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo về việc xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất thành một hệ thống với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai Dự án sử dụng chung nhiều hạng mục đầu tư để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí như: Dùng chung đường truyền, thiết bị tường lửa, định tuyến cấp Trung ương tại Tp. Hà Nội và trung tâm dự phòng tại Tp. Hồ Chí Minh, dùng chung máy trạm tại địa phương; đối với 16 địa phương đã triển khai cấp Căn cước công dân thì sử dụng hạ tầng, máy móc, thiết bị sẵn có…
Khi hai Dự án đi vào hoạt động chính thức, ước tính sẽ giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai khoảng 369,8 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai khoảng 4.248 tỷ/năm; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân giảm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng.
Trên đây là con số được tính toán sơ bộ, việc dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động còn giúp giảm rất nhiều về chi phí của các cơ quan Nhà nước và của công dân, không thể tính toán được về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.
Câu 10: Vai trò của lực lượng Công an xã/Cảnh sát khu vực khi vận hành, khai thác, duy trì hai hệ thống trên, để thông tin công dân luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Trả lời:
Đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người dân để tuyên truyền, từ đó giúp nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó đã chủ động photo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, CCCD, giấy khai sinh hoặc giấy kết hôn để làm cơ sở kiểm tra, đối chiếu thông tin với phiếu khai nhằm đảm bảo sự chính xác, thống nhất.
Tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu, nhất là đối với các trường họp đăng ký thường trú, tạm trú tại địa phương nhưng thường xuyên vắng mặt, thay đổi nơi cư trú, không có chỗ ở ổn định.
Thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin dân cư còn thiếu, thu thập các thông tin dân cư mới, đảm bảo mọi biến động về thông tin dân cư của công dân luôn được cập nhật kịp thời; tham mưu thực hiện việc thống nhất thông tin trong các loại giấy tờ của công dân trước khi thu thập, hiện nay có nhiều trường hợp sai lệch thông tin chưa được giải quyết nên chưa thu thập thông tin.
Thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra, phúc tra của lực lượng Công an xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”./.