Tin ANTT và cảnh báo tội phạm
Tuyên truyền phòng tránh bạo lực và xâm hại trẻ em
17-06-2020
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Tại Việt Nam, bạo lực và xâm hại trẻ em gồm các hình thức: bạo lực gia đình; xao nhãng và bỏ mặc trẻ em; bạo lực thân thể trẻ em; bạo lực tâm lý/tình cảm; buôn bán người; xâm hại tình dục trẻ em và lao động trẻ em. Trong những năm gần đây tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở Viêt Nam diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi như: gia đình, trường học, các cơ sở chăm sóc trẻ em, trung tâm giáo dưỡng, trên đường phố, nơi công cộng và trong thế giới ảo (mạng internet, game onile, chat…). Người bạo lực, xâm hại trẻ em có thể là cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên, hàng xóm hoặc những người thân thiết với trẻ, thậm chí người gây bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có cả lãnh đạo các cơ quan, công chức nhà nước.
Theo thống kê từ năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 37 vụ/44 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: Giết người dưới 16 tuổi: 3 vụ; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 5 vụ; Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi: 8 vụ; Dâm ô với người dưới 16 tuổi: 1 vụ; Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người dưới 16 tuổi: 4 vụ; Mua bán người dưới 16 tuổi: 8 vụ; Các hành vi khác: 5 vụ.
Bạo lực và xâm hại trẻ em gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và khôn lường. Việc sử dụng các hình phạt, các biện pháp giáo dục nghiêm khắc mang tính bạo lực, đặc biệt bạo lực về tinh thần trong xã hội, gia đình, trường học còn khá phổ biến. Hiện tượng người lớn dùng các biện pháp đánh đòn, quát mắng, chửi, sỉ nhục để răn dạy trẻ em khi mắc lỗi vẫn thường xảy ra. Các hành động bạo lực và xâm hại có thể dẫn đến các hậu quả như trẻ tử vong, bị thương tích, khuyết tật, cơ thể phát triển không đầy đủ. Không chỉ là những thương tích về mặt thể xác mà các hành vi bạo lực, xâm hại còn có thể gây ra tổn thương rất nặng nề về tinh thần, thậm chí những sang chấn này đeo đẳng suốt cuộc đời các em. Nhiều trẻ em đã bị rỗi nhiễu tâm trí, trầm cảm, kích động, sợ hãi, tách biệt với xã hội, tự ti, mặc cảm… là nguy cơ tiềm ẩn của các hiện tượng tự tử, bạo lực, vi phạm pháp luật, rối loạn xã hội sau này.
Nguyên nhân của bạo lực và xâm hại trẻ em là do sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường đến đời sống gia đình và mỗi cá nhân, làm gia tăng những nhu cầu hưởng thụ, ích kỷ, làm xói mòn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống. Việc giáo dục từ gia đình giảm sút, thiếu sự quan tâm đến con cái, nhiều bậc làm cha, làm mẹ thiếu hiểu biết về pháp luật, về phòng tránh xâm hại trẻ em, thiếu kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ. Mạng lưới cán bộ xã hội, cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cộng đồng còn thiếu. Công tác dự phòng, ngăn ngừa, phát hiện sớm bạo lực, xâm hại trẻ em hiệu quả chưa cao. Giáo dục trong nhà trường về giới tính, kỹ năng cho trẻ còn thiếu. Một bộ phận cộng đồng xã hội còn có thái độ thờ ơ, vô cảm dẫn đến nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng.
Phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em là trách nhiệm của từng gia đình, nhà trường, của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cần làm tốt một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trọng tâm là Luật Trẻ em năm 2016; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuyên truyền rộng rãi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), ứng dụng Tổng đài 111 trên nền tảng IOS, Android để tất cả các tổ chức, cá nhân liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, quản lý trường hợp có nguy cơ cao tại cộng đồng góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu các nguy cơ trẻ bị xâm hại. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội vì trẻ em tại cộng đồng.
Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ em. Môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Tăng cường công tác tư vấn học đường, phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội trong hệ thống nhà trường và cộng đồng dân cư. Các cơ quan, ban ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch, vũ trưỡng, quán bar, internet, karaoke, các ấn phẩm, băng, đĩa. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, triển khai các biện giảm nghèo đói, cải thiện kinh tế gia đình; lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để giải quyết tình trạng đói nghèo, bảo đảm cho trẻ em có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Cha mẹ, những người chăm sóc trẻ cần tự trang bị những kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; loại bỏ lạm dụng, bạo lực trong giáo dục trẻ em, đặc biệt trong gia đình và trường học. Hãy dành nhiều sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc cho con trẻ; luôn coi mình là bạn của con, luôn lắng nghe thấu hiểu con. Cần sớm trang bị và hỗ trợ con các hiểu biết về giới tính và phòng chống xâm hại tình dục. Hướng dẫn cho trẻ hiểu thế nào là những tình huống không an toàn, dạy con cách phòng tránh, tự vệ. Mỗi người dân và cộng đồng xã hội hãy nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm; chung tay bảo vệ trẻ em, không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực./.
Nguyễn Hiền - PX03 Công an tỉnh