Đăng ký xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) tại Công an cấp xã, nộp phạt nguội tại Công an nơi cư trú, những chính sách sẽ có hiệu lực từ 21/5/2022
05-05-2022
Được đăng ký xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) tại Công an cấp xã; có thể nộp phạt nguội tại Công an nơi cư trú - đây là hai trong số những chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 21/5/2022.
Từ 21/5/2022, công dân có thể đăng ký, cấp biển xe mô tô, xe gắn máy tại Công an cấp xã đủ điều kiện
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2020/TT-BCA về một số quy định cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo Thông tư này, từ ngày 21/5/2022, Công an cấp xã (gồm Công an xã, phường, thị trấn) có thẩm quyền đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, cá nhân trong nước, doanh nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp quân đội có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình.
Đồng thời, có nhiệm vụ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Tuy nhiên, không phải Công an cấp xã nào cũng được trao quyền này. Theo đó, để được phép thực hiện thủ tục cấp đăng ký và biển số xe máy, trong 03 năm liền kề gần nhất, địa phương phải có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên/năm. Việc Công an cấp xã được cấp đăng ký biển số xe máy (khi đủ điều kiện) sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, không phải lên huyện, lên tỉnh để làm thủ tục như trước đây.
Để kịp thời triển khai Thông tư 15 sửa đổi bổ sung một số quy định cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Trung tá Đổng Thị Minh Vũ - Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Phòng Cảnh sát giao thông đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cấp giấy chứng nhận sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý xe cho Công an các huyện và 12 xã, thị trấn đủ điều kiện đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) theo quy định của Thông tư 15. Đồng thời phối hợp với các đơn vị trong Công an tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, cài đặt phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện cho Công an cấp xã để triển khai thực hiện đăng ký xe tại Công an cấp xã từ ngày 21/5/2022.
Cũng theo Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ ngày 21/5/2022. Trong đó quy định, trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính có thể chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ về nơi cư trú của người vi phạm để xử lý. Cụ thể, sau khi xác minh người bị phạt nguội mà người đó không cư trú tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm thì kết quả phạt nguội sẽ được gửi về cho Công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm. Gửi cho Công an xã nếu lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã. Gửi cho Công an huyện nếu lỗi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối. Lúc này, cơ quan Công an nơi người vi phạm cư trú sẽ mời người đó đến trụ sở để giải quyết vụ việc. Như vậy người vi phạm Luật giao thông đường bộ bị phạt nguội sẽ không cần phải quay lại nơi vi phạm để giải quyết.
Người vi phạm Luật giao thông đường bộ bị phạt nguội sẽ được xử lý và giải quyết nộp phạt tại cơ quan Công an nơi cư trú, không cần phải quay lại nơi vi phạm để giải quyết
Hiện nay, nếu bị phạt nguội, người vi phạm vẫn phải đến tận trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để làm việc. Do đó, nhiều tài xế sau khi vi phạm ở tỉnh khác, phải quay lại quãng đường cả trăm km để nhận quyết định xử phạt. Nhiều người dân đánh giá cao việc cho phép người vi phạm được giải quyết, đóng “phạt nguội” tại nơi cư trú vì sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân không phải di chuyển xa, mất nhiều thời gian để nộp phạt và xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời giúp công tác giải quyết vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả./.
Nguyệt My - Công an tỉnh Lạng Sơn