Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Hoạt động Công an tỉnh

Siết chặt kiểm soát mặt hàng thiết bị phòng cháy, chữa cháy: Vấn đề cấp thiết

04-10-2023

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điều này khiến nhu cầu mua thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) của người dân tăng lên. Lợi dụng nhu cầu thị trường tăng cao, một số tiểu thương trên địa bàn đã nhập hàng và kinh doanh các thiết bị PCCC không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường.


Lực lượng QLTT kiểm tra hoạt động kinh doanh thiết bị PCCC tại văn phòng đại diện Công ty Thương mại cơ điện xây dựng và PCCC Cường Thành, thành phố Lạng Sơn

Thời gian gần đây, hỏa hoạn liên tục xảy ra ở nhiều nơi và đặc biệt là vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua làm nhiều người bất an, lo lắng. Do đó, người dân đang rất quan tâm đến các thiết bị, dụng cụ PCCC. Điều này đã khiến thị trường kinh doanh mặt hàng này trở nên sôi động. Kéo theo đó là việc xuất hiện tình trạng một số tiểu thương, hộ kinh doanh đã nhập thiết bị chữa cháy không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vào kinh doanh và tự ý tăng giá.

Vào vai một khách hàng tìm mua bình chữa cháy, ngày 22/9, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng gia dụng ở khu vực  chợ Đêm Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn). Trong cửa hàng, có một số bình chữa cháy dạng bột loại 1kg, 4kg và 8kg được chủ cửa hàng bày bán xen lẫn với các mặt hàng gia dụng khác. Theo quan sát của chúng tôi, các bình chữa cháy đều không có tem kiểm định của cơ quan chức năng và không niêm yết giá. Khi được hỏi mua loại bình chữa cháy MFZ4, chủ cửa hàng đưa ra mức giá 350.000 đồng/bình. Trong khi đó, tại các cơ sở được cấp phép, loại bình trên chỉ có giá niêm yết từ 280.000 – 305.000 đồng/bình. Cũng theo chủ cửa hàng trên, các phương tiện chữa cháy được bán tại đây không có chứng từ hóa đơn mua bán và không có sự cấp phép của lực lượng chức năng.

Tại chợ Đông Kinh, mặc dù không bày bán công khai nhưng khi chúng tôi hỏi mua bình chữa cháy thì một số tiểu thương tại đây vẫn có hàng để bán, tuy nhiên phải chờ vì hàng không có sẵn tại chỗ; giá chủ hàng tại đây đưa ra rẻ hơn so với các cơ sở được phép kinh doanh từ 10.000 đồng – 30.000 đồng/bình.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số hộ kinh doanh đăng bán các thiết bị PCCC với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau trên mạng xã hội (chủ yếu là các trang, nhóm facebook, zalo). Tuy nhiên, giá của các mặt hàng này được chủ tài khoản rao bán không ổn định. Đơn cử bình chữa cháy dạng bột loại BC MFZ4 có trang rao bán từ 200.000 – 250.000 đồng/bình, có trang rao bán 290.000 đồng/bình, mặt nạ chống độc có giá từ 75.000 – 275.000 đồng/chiếc…

Được biết, hiện toàn tỉnh có 3 cơ sở được cấp phép kinh doanh thiết bị PCCC. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các cơ sở muốn kinh doanh mặt hàng này phải đảm các điều kiện theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời, phải được Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an tỉnh cấp giấy phép kinh doanh. Do đó, các loại bình không có tem mác xuất xứ, tem kiểm định… đều không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Thiếu tá Bùi Quang Sơn, Phó Đội trưởng Đội công tác phòng cháy, PC07, Công an tỉnh cho biết: Các thiết bị PCCC chưa được kiểm định và không rõ nguồn gốc, xuất xứ khi đưa vào sử dụng có thể không bảo đảm hiệu quả chữa cháy, thậm chí còn gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị PCCC tại các cơ sở bán “chui” hiện tại vẫn chưa được siết chặt. Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm ngày 2/10, một số cửa hàng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn bán các loại thiết bị PCCC không đủ điều kiện lưu thông.

Trước đó, thực hiện Công văn số 2071 ngày 15/9/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng thuộc trang thiết bị PCCC, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng mặt hàng này. Tuy nhiên, công tác quản lý còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo thông tin của Cục QLTT tỉnh, hiện trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có hơn 4.000 hộ kinh doanh. Trong khi đó, lực lượng QLTT còn mỏng nên rất khó nắm bắt được các cơ sở kinh doanh “chui” mặt hàng thiết bị PCCC. Bên cạnh đó, người dân chưa lường hết những nguy cơ, hậu quả của việc sử dụng thiết bị PCCC trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, nhiều người chỉ trang bị các thiết bị mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thiết bị. Ngoài ra, việc quản lý các chủ tài khoản kinh doanh thiết bị PCCC trên mạng xã hội cũng rất khó vì hầu hết các tài khoản trên không có thông tin người bán, địa chỉ kho bãi.

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định đối với các cơ sở kinh doanh thiết bị PCCC. Trong đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc, hoá đơn chứng từ đối với mặt hàng này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến Nhân dân, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về những điều kiện cần thiết khi kinh doanh mặt hàng thiết bị PCCC. Đối với các cơ sở kinh doanh, nếu phát hiện ra có dấu hiệu vi phạm, đơn vị sẽ xác minh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định hiện hành.

HOÀNG HƯƠNG - GIA KHÁNH

Dẫn nguồn: Siết chặt kiểm soát mặt hàng thiết bị phòng cháy, chữa cháy: Vấn đề cấp thiết | Báo Lạng Sơn (baolangson.vn)

 

Tin liên quan