Cảnh báo thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản để chiếm đoạt tài sản
15-12-2021
Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để siết nợ sau đó chiếm đoạt tài sản - thoạt nghe có thể vô lý tuy nhiên thời gian gần gây một số người dân nhận được số tiền không rõ nguồn gốc chuyển vào tài khoản của mình. Trong khi người nhận còn đang loay hoay chưa biết xử lý số tiền này thế nào thì có người liên lạc gay gắt để đòi, thậm chí đòi tiền lãi.
Ảnh minh họa
Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức chuyển nhầm tiền
Hành động chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng đã không còn đơn thuần là vô tình mà trở thành hành vi cố ý của nhiều đối tượng xấu với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Theo chia sẻ của một nạn nhân hộ khẩu thường trú tại thành phố Lạng Sơn: Cuối tháng 11 năm 2021, tài khoản ngân hàng của chị nhận được khoản tiền trị giá 30 triệu đồng. Rà soát mãi không biết ai gửi tiền thì có một người gọi điện thoại nói là chuyển nhầm và muốn xin lại tiền. Nghĩ là chuyển nhầm thật nên chị không nghi ngờ và chuyển trả tiền theo số tài khoản họ cung cấp. Nhưng sau đó vài ngày lại có một người gọi điện nói đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản và yêu cầu chị chuyển trả số tiền 30 triệu. Do đã trả lại tiền nên chị không đồng ý trả nữa. Liên tiếp trong nhiều ngày, chị bị tra tấn điện thoại đòi nợ, dọa sẽ cho xã hội đen đến nhà xiết nợ, làm hại gia đình người thân của chị. Do lo sợ chị đã phải chuyển tiếp 30 triệu theo số tài khoản đối tượng yêu cầu.
Còn một nạn nhân ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn bỗng dưng lại nhận được số tiền trong tài khoản với nội dung “vay 50 triệu trong 45 ngày". Anh rất hoang mang vì mình không hề vay của ai, cũng chưa biết nên làm như thế nào với số tiền này thì một tuần sau nhận được cuộc điện thoại của một người yêu cầu chuyển trả lại số tiền 50 triệu cộng tiền lãi là 15 triệu. Anh đồng ý trả lại 50 triệu nhưng không đồng ý trả lãi vì cho rằng mình không hề vay. Sau đó đối tượng liên tục gọi điện dọa nạt sẽ cho người đến quấy phá công việc làm ăn, làm hại gia đình, người thân, bóc phốt trên mạng xã hội vì vay nợ không trả, ép anh phải trả cả gốc lẫn lãi.
Một chiêu thức khác là các đối tượng lừa đảo chuyển nhầm vào tài khoản nạn nhân, sau đó giả làm nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào website giả mạo nhằm chiếm đoạt thông tin tài sản, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản thật của nạn nhân. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng chuyển tiền từ tài khoản người bị hại vào tài khoản ví điện tử sử dụng SIM rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game có máy chủ đặt tại nước ngoài.
Nên làm gì trong trường hợp bị chuyển nhầm tiền
Trung tá Hoàng Ngọc Quang - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để đảm bảo an toàn trong những tình huống bị chuyển nhầm tiền vào tài khoản như đã nêu, người dân cần chuyển trả lại để không vi phạm quy định của pháp luật về hành vi chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác. Tuy nhiên khi chuyển hoàn tiền thì tuyệt đối không chuyển cho thẳng cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, không nên chuyển hoàn tiền vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình để tránh bị phiền toái sau này. Nên trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận số tiền bị chuyển nhầm, xác nhận chủ số tài khoản đã chuyển nhầm tiền để ngân hàng tiến hành liên hệ với chi nhánh ngân hàng nơi tài khoản được chuyển đến đã đăng ký để liên hệ với chủ tài khoản và yêu cầu hỗ trợ chuyển trả lại. Khi nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng hay lực lượng Công an, người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai. Nếu phát hiện các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đe dọa uy hiếp yêu cầu trả tiền, người dân nên khẩn trương trình báo cơ quan Công an để điều tra làm rõ. Pháp luật quy định xử lý nghiêm minh với hành vi đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xử lý hình sự theo điều 174 Bộ luật hình hình năm 2015. Đối với những đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, thông tin điện tử để chiếm đoạt tài sản, dù số tiền dưới 2 triệu đồng thì vẫn bị xử lý hình sự theo điều 290 BLHS năm 2015 và chế tài xử phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù./.
Nguyệt My - Công an tỉnh Lạng Sơn