Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

Công tác công an trong triển khai, thực hiện QĐ số 861/QĐ-TTg và QĐ số 433/QĐ-UBDT tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

23-09-2021

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt 199 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (trừ xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng), trong đó có 88 xã khu vực III (giảm 37 xã so với giai đoạn 2016 - 2020), 08 xã khu vực II (giảm 55 xã so với giai đoạn 2016 - 2020), 103 xã khu vực I (tăng 65 xã so với giai đoạn 2016 - 2020). 

Một số xã xác định đủ điều kiện chuyển từ khu vực III thành khu vực I, không còn được hưởng các chính sách đối với xã, thôn đặc biệt khó khăn đã xảy ra tình trạng người dân viết đơn kiến nghị tập thể, kích động, lôi kéo đông người đến UBND các cấp khiếu nại Quyết định trên và cho rằng thực tế đời sống còn khó khăn, chưa đủ điều kiện là khu vực I. Thời gian qua đã có 11 đợt, khoảng hơn 1.000 lượt quần chúng tại các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan tập trung đông người kéo đến trụ sở chính quyền các cấp kiến nghị, gây áp lực.

Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Lạng Sơn đã chủ động nắm tình hình, tiếp xúc trực tiếp người dân, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người dân theo quy định; kịp thời răn đe các đối tượng quá khích, không để tạo làn sóng dư luận, hình thành điểm nóng về ANTT. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khẳng định Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước để hoạch định các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, thu nhập người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng 2,98 lần so với năm 2011; diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, mở mới đường giao thông nông thôn thêm 730km, sửa chữa bảo trì được 32.250km đường các loại, xây dựng thêm 3.165km mặt đường bê tông xi măng, tỷ lệ cứng hóa đường đến trung tâm xã đạt 79%; đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, nâng cấp, cải tạo các công trình và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, nâng diện tích trồng trọt được tưới tiêu lên 36.353 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản đã được cấp thoát nước là 136 ha; kiên cố hóa được 1.388km kênh mương nội đồng đạt 50,62%; về hệ thống điện nông thôn được nâng cấp, mở rộng, giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh đã đầu tư mới, cải tạo lưới điện nông thôn với tổng kinh phí là 918 tỷ đồng, cải tạo xây mới 350km đường dây 35kV; đường dây 0,4kV được 1.313km, xây mới 393 trạm biến áp cho đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia..., đó là sự nỗ lực, chung tay của cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân, đồng thời phát huy tinh thần tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch, đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, lôi kéo tập trung đông người gây phức tạp tình hình ANTT, tiếp cận các luồng thông tin chính thống, có chọn lọc những thông tin trên mạng xã hội; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân, thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án những hành vi sai trái, vi phạm trên mạng xã hội./.

Thanh Đạt – Phòng An ninh đối nội

Tin liên quan