Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

CÔNG TÁC ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP TIỀN TỆ QUA BIÊN GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

17-04-2023

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là cửa ngõ, đường giao thông huyết mạch quan trọng của đất nước với đường biên giới dài 231,74 km, có 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia, 07 cặp chợ tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân ở Lạng Sơn và doanh nghiệp từ các tỉnh phía sau thực hiện hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Bên cạnh hình thức thanh toán xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế, còn có hình thức thanh toán biên mậu với 03 phương thức: Thanh toán qua hệ thống tín dụng được phép; thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ giữa hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu và thanh toán bằng tiền mặt, trong đó phương thức thanh toán qua hệ thống tín dụng là phương thức được sử dụng nhiều nhất do tính chất nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hoạt động thanh toán biên mậu qua hệ thống tín dụng giúp thúc đẩy quan hệ giao thương, lưu thông hàng hóa, trao đổi tiền tệ thuận tiện, an toàn, nhanh chóng. Tuy nhiên, việc các đối tượng lợi dụng hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu qua hệ thống ngân hàng để thực hiện hành vi vận chuyển tiền trái phép gây ảnh hưởng tiêu cực, thiệt hại đến an ninh tài chính tiền tệ của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới là một trong những tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Hiện nay hoạt động rửa tiền đang là vấn nạn của Việt Nam và thế giới. Theo kết quả đánh giá đa phương lần thứ 3 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng chống rửa tiền (FATF) thì Việt Nam có nguy cơ lớn bị rơi vào danh sách xám của FATF: “Đưa vào danh sách chú ý về rửa tiền và tài trợ khủng bố, thông báo đến toàn thể các quốc gia và định chế tài chính trên toàn thế giới”.

Theo quy định tại Điều 7, Pháp lệnh ngoại hối ngày 13/12/2005 và Điều 5, Nghị định 70/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong nước thực hiện thanh toán mua, bán hàng hóa với doanh nghiệp nước ngoài phải thanh toán theo hình thức chuyển khoản thông qua các tổ chức tín dụng được phép. Thời gian qua, các đối tượng đã lợi dụng quy định của Nhà nước trong việc thanh toán xuất nhập khẩu qua hệ thống ngân hàng để câu kết, móc nối thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới. Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, đấu tranh thành công 05 chuyên án, khởi tố 11 bị can liên quan đến tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (quy định tại Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 2015) tổng số tiền tương đương 9.500 tỷ đồng. Qúa trình đấu tranh, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng thường sử dụng để thực hiện như: Đối với hợp đồng thanh toán qua hệ thống ngân hàng, đối tượng thường sử dụng các hợp đồng xuất nhập khẩu khống, không có hàng hóa thực hoặc nâng khống giá trị hàng hóa ghi trên hợp đồng cao hơn giá trị hàng nhập khẩu thực tế; thanh toán một bộ hồ sơ thương mại nhiều lần qua nhiều hệ thống ngân hàng khác nhau; lập thêm phụ lục hợp đồng chỉ định đối tác thứ 3 được trực tiếp nhận tiền (là các công ty có địa chỉ ở nước ngoài) để hợp thức hóa việc chuyển tiền ra nước ngoài, điển hình như vụ án liên quan đối tượng N.V.S, sinh năm 1986, HKTT huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã vận chuyển trái phép 5.418 tỷ đồng qua biên giới; đối tượng H.P.D, sinh năm 1985, HKTT phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn vận chuyển trái phép số tiền 4.075 tỷ đồng. Ngoài thủ đoạn lợi dụng hệ thống tín dụng để chuyển tiền trái phép qua biên giới, các đối tượng còn thực hiện hành vi thu gom tích trữ tiền sau đó vận chuyển qua biên giới Việt - Trung thông qua các đường mòn, lối mở, điển hình là vụ án liên quan đối tượng N.T.H, sinh năm 1976, HKTT huyện Cao Lộc cùng đồng bọn có hành vi vận chuyển trái phép 900.000 nhân dân tệ; vụ án H.D.T, sinh năm 1993 và H.T.C, sinh năm 1992, HKTT xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn có hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền 360.170 nhân dân tệ.

Thời gian tới, để tỉnh Lạng Sơn không trở thành địa điểm trung chuyển cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bùi Thị Huyền Trang – Công an tỉnh

Tin liên quan