Luật số 50 - Cơ sở để xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng
30-04-2020
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 50/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.
Luật ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14, ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, quy định về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tính mạng của nhân dân.
Theo thống kê của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, trong 2 năm trở lại đây, từ khi thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 14/2017/QH14), Cơ quan điều tra đã tiếp nhận các vụ án, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là đối với vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 3, Chương I, Luật số 14 quy định về "vũ khí quân dụng" chỉ bao gồm súng cầm tay, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, bom mìn... được chế tạo, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật... và được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ, do đó, các hành vi liên quan đến mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng chỉ bị xử lý hành chính, chưa đủ sức răn đe. Điển hình, trong vụ án Hoàng Anh Tuấn can tội Chống người thi hành công vụ, tàng trữ trái phép chất ma tuý, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, đối tượng mua, tự chế tạo, bảo quản, tàng trữ 02 khẩu súng mà theo kết luận của cơ quan chức năng là súng có tính năng, tác dụng tương tự như súng quân dụng. Tại thời điểm điều tra vụ án (năm 2018) chưa có quy định về khởi tố vụ án đối với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng nên Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Điều đáng nói là súng có tính năng tác dụng như súng quân dụng đều có thể gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người nhưng lại chưa có chế tài sử phạt nghiêm khắc phù hợp, chưa đủ sức răn đe.
Sau khi nhận thấy những bất cập trong thực tiễn điều tra, xử lý đối với vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng, ngày 25/11/2019, Quốc hội đã ban hành Luật số 50/2019/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Qua đó, Luật quy định "vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công nghiệp hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người, phá huỷ kết cấu vật chất tương tự như vũ khí, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ..." được coi là "vũ khí quân dụng" và sẽ áp dụng các biện pháp xử lý như đối với vũ khí quân dụng. Đây chính là cơ sở để Cơ quan điều tra có căn cứ khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi phạm tội liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân./.
Ngọc Diệp - PA09