Nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các biện pháp phòng ngừa
13-09-2019
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự và hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Chiêu trò lừa đảo của các đối tượng hết sức tinh vi, đặc biệt là sử dụng công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội. Dưới đây là một số thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này:
1. Lừa đảo qua mạng xã hội: Có lẽ, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mạng xã hội như Zalo, Facebook đã không còn xa lạ. Bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội đem lại, không ít những trường hợp người sử dụng lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười” và thậm chí là “tiền mất tật mang” do bị các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những hành vi lừa đảo. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin của nạn nhân, một số đối tượng đã sử dụng phần mềm để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) của người khác, sau đó, truy cập vào phần tin nhắn để đọc và tìm hiểu các mối quan hệ, cách nói chuyện của chủ tài khoản với bạn bè. Qua tìm hiểu ra những người thân thiết, đối tượng sẽ giả làm chủ tài khoản và nhắn tin hỏi vay tiền của những người đang nói chuyện cùng và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng đã chuẩn bị và chiếm đoạt.
Ngày 18/01/2019, anh Trần Văn T ( sinh năm 1972 , trú tại phường Chi Lăng, tp.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn ) bị một đối tượng gọi điện thoại đến tự xưng là “Trung tâm Zalo” thông báo cho anh T là tài khoản Zalo của anh đang bị nhiễm virus nặng, nếu không quét virus thì sẽ khóa tài khoản trong vòng 06 tháng, nếu quét virus thì “ Tổng đài” sẽ hỗ trợ. Khi anh T đồng ý thì đối tượng yêu cầu anh T thoát tài khoản Zalo trong vòng 01 giờ đồng hồ, ngay sau khi thoát tài khoản Zalo thì có mã OTP của Trung tâm Zalo gửi về số điện thoại của anh . Tiếp đó đối tượng gọi điện thoại đến yêu cầu nạn nhân cung cấp mã số Trung tâm vừa gửi để quét virus. Thực chất mã OTP mà anh T nhận được là để đăng nhập tài khoản Zalo, sau khi đăng nhập, đối tượng đổi mật khẩu, chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản và gửi hàng loạt tin nhắn nội dung vay tiền cho bạn bè trên mạng xã hội Zalo của anh . Hậu quả, đã có 3 nạn nhân là bạn của anh T bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 35 triệu đồng. Qua công tác điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã làm rõ bắt Lê Tiến Đạt ( sinh năm 1998, HKTT: xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ) .
Đối tượng Lê Tiến Đạt tại Cơ quan điều tra
Bên cạnh đó, một số đối tượng người nước ngoài (chủ yếu người Châu phi) nhập cảnh vào Việt Nam câu kết với các đối tượng người Việt thông qua mạng xã hội Facebook để làm quen với các bị hại, tự giới thiệu về điều kiện, hoàn cảnh của bản thân (là quân nhân, kỹ sư, bác sỹ… hiện đã ly dị vợ, có con riêng…có nguồn tài sản lớn, đồng thời đưa các hình ảnh giới thiệu là đang sinh sống, làm việc tại chiến trường nước ngoài…). Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn như tiền, vàng, kim cương, tiền đô la… cho nạn nhân hoặc đề nghị nhận giúp nguồn tiền đối tượng chuyển từ nước ngoài về để sau này khi hoàn thành nghĩa vụ ở chiến trường sẽ sang Việt Nam đầu tư kinh doanh. Khi bị hại đã “cắn câu”, đồng ý nhận quà, tiền…đối tượng đề nghị cung cấp địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh để gửi. Lúc này nhóm đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên sân bay, nhân viên giao hàng, hải quan, thuế… thông báo cho nạn nhân biết gói quà từ nước ngoài chuyển về của nạn nhân đang bị tạm giữ tại sân bay vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị… Chúng còn sử dụng ảnh chụp phiếu gửi hàng, thùng quà có giá trị gửi cho nạn nhân để nạn nhân tưởng là thật. Sau đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải nộp tiền thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc hối lộ cho lực lượng chức năng để lấy quà ra khỏi sân bay, khi nạn nhân đồng ý, đối tượng cung cấp nhiều số tài khoản ngân hàng khác nhau yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến (thường là các tài khoản sử dụng giấy tờ giả hoặc giấy tờ bị mất của người khác, thuê người khác mở tài khoản). Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn phát hiện 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức gửi quà như trên. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng, trong đó người bị lừa nhiều nhất là hơn 5 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam đã điều tra làm rõ 03 vụ.
2. Lừa đảo qua điện thoại: Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ bị liên lụy vào các vụ án của nạn nhân, các đối tượng sử dụng công nghệ VoIP gọi điện thoại đến các đầu số cố định (thời điểm các đối tượng gọi điện vào khoảng 8-9 giờ sáng, khi đó thường chỉ có những người cao tuổi ở nhà) tự xưng là cán bộ Công an, viện kiểm soát, tòa án... đang điều tra các vụ án (thường là án ma túy) và thông báo người bị gọi điện có liên quan đến vụ án. Tiếp đó các đối tượng hỏi thông tin về nhân thân của bị hại, người thân trong gia đình, số CMND, số điện thoại ...và hỏi các thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm. Trường hợp bị hại nói có tài khoản ngân hàng, các đối tượng sẽ nói tài khoản đó các đối tượng trong chuyên án khai nhận chuyển tiền vào, trường hợp bị hại nói không có tài khoản ngân hàng, chỉ có tài khoản tiết kiệm, các đối tượng nói có người sử dụng số CMND của bị hại để mở tài khoản ngân hàng, hiện nay trong tài khoản có rất nhiều tiền. Sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp để “phục vụ công tác điều tra”, khi chứng minh không liên quan đến tội phạm thì sẽ chuyển trả lại vào tài khoản cho bị hại, đồng thời yêu cầu bị hại hợp tác, không được nói cho ai biết nếu không sẽ thi hành lệnh bắt vào buổi trưa cùng ngày. Đầu tháng 07/2019, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 06 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn này, đã có 04 bị hại chuyển tiền cho các đối tượng với tổng số tiền 747.000.000đ.
Các bị hại đến trình báo tại cơ quan Công an
3. Lừa đảo dưới hình thức thông báo trúng thưởng qua điện thoại, tin nhắn: Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của bị hại, các đối tượng mạo danh là cán bộ của các ngân hàng, nhà mạng di động, các công ty xe máy, ô tô gọi điện hoặc nhắn tin trên ứng dụng Messenger của Facebook, ứng dụng Zalo đến các chủ thuê bao di động thông báo trúng giải thưởng giá trị, sau đó hướng dẫn các chủ thuê bao, chủ tài khoản Facebook tìm hiểu thông tin về giải thưởng và cách thức trao thưởng tại các trang web giả mạo do chúng tạo ra để cung cấp thông tin các nhân. Nhóm đối tượng sử dụng các thuê bao di động khác nhau để gọi điện thoại cho nạn nhân hướng dẫn các bước nộp phí nhận thưởng, thuế, lệ phí đăng ký xe máy, ô tô được thưởng, lệ phí quay phim, chụp ảnh, đồng thời yêu cầu chủ thuê bao chuyển tiền hoặc mua thẻ điện thoại để đọc số serial và mã thẻ nạp cho các đối tượng rồi chiếm đoạt số tiền đó.
4. Trộm cắp thông tin thẻ tín dụng: Tình trạng trộm cắp thông tin thẻ tín dụng đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các đối tượng thường có từ 2 người trở lên, đeo ba lô, đội mũ, đeo khẩu trang và hoạt động vào các giờ có ít người đến rút tiền tại cây ATM. Một đối tượng sẽ đứng ngoài cảnh giới, đối tượng còn lại sẽ vào lắp đặt tại cây ATM các thiết bị điện tử gồm 01 đầu đọc thẻ từ để đọc thông tin tài khoản thẻ ngân hàng, bộ phận này có cấu trúc giống với bộ phận đọc thẻ từ của cây ATM do các ngân hàng lắp đặt do đó nếu không quan sát kỹ sẽ rất khó phát hiện; camera giám sát nhỏ hoặc một bàn phím, bộ phận này lắp đặt ở phần bàn phím nhập liệu để đánh cắp mật khẩu của người dùng. Sau khi lấy được thông tin thẻ và mật khẩu của người dùng, các đối tượng sẽ sử dụng thiết bị để làm các thẻ giả và rút tiền.
Ngày 19/02/2019, Phòng Cảnh sát hình sự phá chuyên án bắt giữ hai đối tượng gồm Phan Lộ Căn (sinh năm 1987) và Trương Hữu Bằng (sinh năm 1989) là người tỉnh Hà Nam - Trung Quốc khi các đối tượng đang lắp đặt các thiết bị trộm cắp thông tin thẻ tại cây ATM trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, thu giữ: 02 bộ thiết bị SKIMMER, 03 camera tự chế, 02 thẻ Ngân hàng, 02 USB, 02 điện thoại di động và một số đồ vật, tài liệu khác liên quan. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh thu giữ 50 thẻ ATM, 02 máy tính xách tay (LAPTOP), 07 pin tự chế, 02 camera, 02 máy nghe trộm, 01 máy hàn, 01 súng bắn keo, 10 sim điện thoại, 01 điện thoại di động và một số đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Trong đó có 11 thẻ ATM chứa các thông tin tài khoản của các Ngân hàng Việt Nam mà các đối tượng đã làm giả để rút tiền.
2 đối tượng Phan Lộ Căn và Trương Hữu Bằng
Để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh khuyến cáo người dân hãy:
1. Không cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email, họ tên, năm sinh, địa chỉ... đặc biệt là trên các mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp bất cứ tài khoản, mật khẩu cá nhân,các mã xác nhận OTP cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Hạn chế đăng các ảnh cá nhân, các nội dung riêng tư lên các mạng xã hội; hạn chế kết bạn, làm quen với những người không quen biết trên mạng xã hội.
2 . Cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài và các số điện thoại không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam. Khi có đối tượng gọi điện tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản khác để phục vụ điều tra thì tuyệt đối không chuyển tiền theo hướng dẫn của các đối tượng, đồng thời thông báo đến các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết vì đối với các vụ án đang điều tra, giải quyết, cơ quan Công an không yêu cầu cung cấp các thông tin như số CMND, tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm, mật khẩu... hay yêu cầu chuyển tiền, yêu cầu triệu tập qua điện thoại mà sẽ gửi Giấy triệu tập những người liên quan đến làm việc trực tiếp tại trụ sở.
3 . Khi người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền, nhờ mua thẻ nạp, thẻ game... qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) hoặc tin nhắn, đặc biệt là đối với các giao dịch giá trị lớn thì phải gọi điện thoại trực tiếp cho người nhờ để xác nhận.
4 . Không truy cập các trang web có nội dung độc hại, không lành mạnh, không cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc lên máy tính, điện thoại. Không tùy tiện đăng nhập vào các liên kết không an toàn, kiểm tra kỹ đường dẫn (URL), chứng chỉ bảo mật (security certificate) của trang web trước khi đăng nhập. Kiểm tra kỹ trang web trước khi điền các thông tin nhạy cảm như tài khoản, mật khẩu,…nhất là khi thanh toán online trên các trang web, khi đăng nhập tài khoản ngân hàng hoặc các ví điện tử để thanh toán đều phải trỏ về trang web của đơn vị chủ quản.
5. Khi rút tiền tại các cây ATM, cần quan sát kỹ bộ phận đọc thẻ và bàn phím, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường (phát hiện camera, màu sắc, độ dày bàn phím, bộ phận đọc thẻ từ gắn lệch, không chắc chắn…) cần báo cho nhân viên ngân hàng biết.
Chi đoàn Phòng Tham mưu - Công an tỉnh