Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

Nhiều phương thức lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

06-07-2021

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi cả nước đang ngày đêm căng mình phòng, chống dịch bệnh thì một số đối tượng lại lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số đối tượng giả danh cơ quan chức năng điện thoại đến cho chủ thuê bao thông báo đang truy vết F1, F2 và yêu cầu gia đình phải đi cách ly. Sau đó, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và bấm vào đường link mà những người này gửi để xác nhận nhưng thực chất là lấy thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội hoặc trực tiếp đến nhà người dân để vận động thu quỹ phòng chống dịch nhưng không nộp cho bất kỳ tổ chức nào hoặc đóng giả lực lượng chống dịch đến đề nghị nộp tiền đặt cọc để tiêm phòng vaccine Covid-19 sau đó chiếm đoạt tiền.

Giả làm nhân viên y tế, phát khẩu trang tẩm thuốc mê rồi chiếm đoạt tài sản

Công an thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đưa ra cảnh báo về nhóm người dùng thủ đoạn phát miễn phí khẩu trang có tẩm thuốc mê để chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn. Nhóm này từ 3 đến 5 người, thường nhằm vào những gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ ở nhà để tiếp cận. Đối tượng mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang kín, giả danh là nhân viên y tế, lực lượng phòng dịch thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương hoặc cán bộ y tế xã, phường đến để điều tra về tình hình sức khỏe và phát khẩu trang miễn phí cho người dân để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên những chiếc khẩu trang này thực chất đã được tẩm thuốc mê. Khi nạn nhân đeo vào sẽ hôn mê, lúc đó những người này sẽ đột nhập vào nhà, lục soát lấy tài sản có giá trị rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Mẫu vaccine giả trên thị trường

Lừa đảo bán vaccine phòng Covid-19 giả

Vaccine phòng Covid-19 đang được xem là lá khiên bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất cho mọi người, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Lợi dụng việc vaccine phòng Covid-19 đang khan khiếm, nhiều đối tượng đã tạo ra các trang internet, mạng xã hội để lừa bán vaccine. Do mong muốn sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên nhiều người đã cả tin chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng nhưng không bao giờ nhận được sản phẩm. Nguy hiểm hơn một số trang còn chào bán vaccine giả dán nhãn AstraZeneca, Pfizer hay Moderna và có hướng dẫn sử dụng không đúng quy định. Ví dụ với vaccine của Pfizer, nhiệt độ cần thiết để bảo quản là -700C, nhưng nhiều người bán để dụ khách mua đã nói rằng chỉ cần bảo quản ở -100C trong ngăn đá tủ lạnh là được.

Đại diện của Pfizer tại Việt Nam cho biết: Pfizer và các hãng sản xuất vaccine phòng Covid-19 ở thời điểm hiện tại chỉ làm việc qua Chính phủ các nước, không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp và các giao dịch thương mại đều là vaccine giả mạo hoặc không chính hãng. Tuy nhiên hiện nay loại vaccine này đang bị buôn bán, làm giả dưới rất nhiều hình thức rồi chào bán hàng qua các mạng xã hội hay tinh vi hơn cả là có cả các tổ chức chào bán hàng trực tiếp đến các bệnh viện, Chính phủ các nước.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo: các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nếu có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Chỉ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép, không tiêm chủng những loại vaccine phòng Covi-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép

Đối với người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng Covi-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, trong trường hợp có người giả danh là cán bộ y tế gọi điện hoặc đến kiểm tra, tặng khẩu trang miễn phí cần thận trọng xác minh, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không mở cửa cho người lạ vào nhà. Khi phát hiện những nghi vấn, bất thường cần lưu lại số điện thoại, chụp lại ảnh đối tượng và nhanh chóng báo cơ quan Công an, chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa đảo./.

Nguyệt My - Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin liên quan