Quán triệt triển khai Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin
08-05-2020
Thời gian qua,Công an tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác nắm tình hình, chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp công tác nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã khởi tố 01 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 05 trường hợp; nhắc nhở, răn đe 08 trường hợp; trao đổi các đơn vị nghiệp vụ phối hợp đấu tranh, ngăn chặn 03 trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Trong thời điểm tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị chung tay phòng, chống dịch, một số chủ tài khoản facebook đăng tin sai sự thật liên quan dịch bệnh gây dư luận tiêu cực, hoang mang trong quần chúng nhân dân. Đáng chú ý, có 01 trường hợp là Triệu Văn Thưởng (SN 2000, tại thôn Khòn Vả, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) do có mâu thuẫn cá nhân đã lập tài khoản facebook mạo danh người khác đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 nhằm đổ tội cho người khác, hiện đối tượng đã bị khởi tố để xử lý hình sự.
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là quy định về sử dụng mạng Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng dẫn đến một số trường hợp người dùng mạng xã hội chia sẻ, bình luận, đăng bài có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân… Để góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, ngày 03/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (gọi tắt là Nghị định 15).
Nghị định số 15 gồm 9 chương 124 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định174). Nghị định đã bổ sung nhiều chế tài mới để xử lý các vi phạm về bưu chính, viễn thông và Internet góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa thông tin sai sự thật, hạn chế tin nhắn rác, quản lý nội dung khách hàng truy cập Internet.
Theo đó, tại Điều 101, Nghị định 15 nêu rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Nghị định 174 chưa nêu rõ). Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành, tịch thu. Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Điều 102 Nghị định 15 quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin trên mạng Internet. Mức phạt từ cao nhất từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
Nghị định 15 bổ sung, tăng mức phạt đối với tin nhắn rác: Điểm b, Khoản 6, Điều 94 Nghị định 15 quy định: Tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng khi có hành vi gửi hoặc tán phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại (Mức phạt tại Nghị định 174 là 40 - 50 triệu đồng). Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1 - 3 tháng; tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 -3 tháng; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông.
Nghị định 15 bổ sung mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, nơi công cộng; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận… Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận.
Quy định về quản lý nội dung khách hàng truy cập Internet: Khoản 3, Điều 35, Nghị định 15 quy định: phạt tiền từ 5 - 10 triệu đối với các hành vi: Tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng Internet và thông tin trên mạng; để người sử dụng Internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín, dị đoan.
Quán triệt thực hiện Nghị định 15 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi CBCS Công an Lạng Sơn và nhân dân trên địa bàn cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghi định góp phần hiệu quả vào công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nói chung, hành vi thông tin sai sự thật trên môi trường mạng nói riêng đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng trên địa bàn./.
Nguyễn Thị Tuấn Anh - PA03