- Dịch vụ công
- Tin an ninh trật tự
1 Thủ tục: Cảnh giác với thủ đoạn giả danh “nhân viên giao hàng” lừa đảo chiếm đoạt tài sản
3Chi tiết thủ tục:
Trong thời đại phát triển của công nghệ số, đặc biệt là Internet và các thiết bị di động, đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dễ dàng tiếp cận và thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến. Trước sự tiện lợi, nhanh chóng của việc mua bán hàng hóa online trên các nền tảng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử, việc mua bán hàng hóa online ngày càng trở nên phổ biến, trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiện lợi mà việc mua bán trực tuyến đem lại thì thời gian gần đây, thường xuyên xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới thông qua hình thức gọi điện thoại giả danh “nhân viên giao hàng” của các đơn vị vận chuyển uy tín thông báo người dân có đơn hàng để yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các phương thức, thủ đoạn thường gặp:
1. Đối tượng gọi điện thông báo có đơn hàng cần giao, thường là các mặt hàng có giá trị lớn hoặc các sản phẩm đang được khuyến mãi. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước để thanh toán phí giao hàng, phí thu hộ hoặc các khoản phí khác. Bên cạnh đó chúng thường tạo áp lực bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân.
2. Đối tượng gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Sau khi có được thông tin, đối tượng sẽ sử dụng mã OTP để thực hiện giao dịch rút tiền.
3. Đối tượng tạo các tài khoản giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội để kết bạn, làm quen với nạn nhân. Sau đó, đối tượng sẽ giới thiệu các sản phẩm hấp dẫn với giá rẻ để dụ dỗ nạn nhân mua hàng. Khi khách hàng đồng ý mua hàng, đối tượng sẽ yêu cầu chuyển khoản trước với lý do tương tự như khi gọi điện thoại.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang phổ biến hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả danh “nhân viên giao hàng” để yêu cầu người dân chuyển tiền và đánh cắp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể thủ đoạn của các đối tượng là tham gia vào các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream. Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng từ các buổi livestream, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng (giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…) của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm, đưa ra các thông tin liên quan đến đơn hàng để tạo lòng tin.
Các đối tượng thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ dẫn dắt "con mồi" đưa địa chỉ (người quen, hàng xóm, bạn bè…) để gửi hàng; sau đó nói là đã gửi hàng và liên tục gọi điện để hối thúc khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng (các đối tượng thường lấy lý do như là còn một đơn hàng cuối cùng, giao nốt để kết thúc ca, khóa hệ thống … để các bị hại nhanh chóng chuyển tiền), ngoài ra các đối tượng thường lựa chọn các đơn hàng có giá trị nhỏ khoảng dưới 200.000 đồng để người dân chủ quan và thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng này. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này tiếp tục gọi điện thông báo cho bị hại là gửi nhầm số tài khoản để đăng ký thẻ hội viên shipper của các đơn vị vận chuyển, nếu thực hiện chuyển tiền thì hệ thống sẽ tự động kích hoạt thẻ thành viên và hàng tháng sẽ bị trừ 3 – 4 triệu đồng trong tài khoản. Lúc này, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn có chứa các đường link mà các đối tượng nói là của hệ thống giao hàng để giúp bị hại hủy dịch vụ đăng ký thẻ hội viên. Sau khi bị hại truy cập vào đường link này thì hệ thống yêu cầu nhập các thông tin cá nhân để hủy đăng ký, lúc này các thông tin ngân hàng của bị hại đã bị đánh cắp và có nguy cơ mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng.
Một số dấu hiệu nhận biết các đối tượng lừa đảo:
- Yêu cầu chuyển khoản trước: Các đơn vị giao hàng uy tín thường cho phép khách hàng thanh toán khi nhận hàng.
- Số điện thoại lạ, không rõ nguồn gốc: Đối tượng thường sử dụng số điện thoại di động lạ hoặc số điện thoại cố định không rõ ràng.
- Thông tin không chính xác: Thông tin về đơn hàng, sản phẩm, người giao hàng... thường không chính xác hoặc mâu thuẫn.
- Tạo áp lực, thúc ép: Đối tượng thường tạo ra cảm giác cấp bách, đe dọa để nạn nhân phải đưa ra quyết định nhanh chóng.
- Đường link lạ, trang web không uy tín: Các đường link dẫn đến trang web giả mạo thường có giao diện đơn giản, lỗi chính tả và không có thông tin liên hệ rõ ràng…
Trước thực trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân:
- Bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với shop bán hàng.
- Nâng cao cảnh giác khi thanh toán nhận hàng trực tuyến, luôn thực hiện xác minh thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ trực tuyến, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua.
- Không chuyển khoản, thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nếu không chắc chắn về nguồn gốc nào để tránh sập bẫy.
- Khi bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng khóa tài khoản ngân hàng và thông báo cho ngân hàng về việc bị lừa đảo để ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp; báo cáo ngay vụ việc đến cơ quan công an để được hỗ trợ điều tra và xử lý./.
Thân Thị Thùy
Phòng ANM và PCTP
sử dụng công nghệ cao