Hậu cần Công an Lạng Sơn qua 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển (25/01/1948 – 25/01/2023)
19-01-2023
Cách đây 75 năm, ngày 25/01/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, họp tại Tuyên Quang quyết định nhiều vấn đề quan trọng của công tác Công an, trong đó Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực hậu cần phục vụ nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Để ghi nhớ sự kiện đó, ngày 27/6/2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 568/BCA lấy ngày 25/01/1948 làm Ngày truyền thống của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân (CAND).
Cách đây 75 năm, ngày 25/01/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, họp tại Tuyên Quang quyết định nhiều vấn đề quan trọng của công tác Công an, trong đó Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực hậu cần phục vụ nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Để ghi nhớ sự kiện đó, ngày 27/6/2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 568/BCA lấy ngày 25/01/1948 làm Ngày truyền thống của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân (CAND).
Ngay sau khi tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công, lực lượng CAND nói chung và các chiến sĩ làm công tác hậu cần, kỹ thuật nói riêng đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn ban đầu, nhanh chóng thu hồi, tiếp quản cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện của địch; chủ động nghiên cứu, chế tạo ra các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật trang bị cho lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã chủ động, sáng tạo thực hiện nhiều biện pháp để có đủ vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tới thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật tiếp tục trưởng thành về tổ chức; đổi mới, hoàn thiện các phương thức đảm bảo hậu cần, kỹ thuật; xây dựng, triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển tiềm lực hậu cần - kỹ thuật; phát huy tinh thần tự lực, tự cường; tăng cường hợp tác quốc tế đảm bảo tốt các điều kiện về tài chính, hậu cần, kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu công tác, chiến đấu. Từ ngày thành lập đến nay dù tên gọi có khác nhau nhưng lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND các cấp đã khẳng định vai trò, vị trí, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, có sự sáng tạo, đổi mới, đáp ứng các yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND.
Đối với Công an Lạng Sơn, thực hiện Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa về thành lập Việt Nam Công an vụ và Nghị định số 121/NĐ ngày 18/4/1946 của Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ của Việt Nam Công an vụ và thành lập Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 01/06/1946 ty Liêm phóng Lạng Sơn được đổi tên gọi thành Ty Công an Lạng Sơn; hệ thống tổ chức gồm: Văn phòng; Ban bảo vệ chính trị; Ban trật tự tư pháp; bộ phận quản trị hành chính (trong đó có thực hiện các mặt công tác hậu cần) nằm trong Văn phòng Ty.
Trong kháng chiến chống Pháp, nơi làm việc của Ty Công an Lạng Sơn phải di chuyển qua hàng chục địa điểm, lực lượng Hậu cần đã chủ động phối hợp lựa chọn địa điểm, xây dựng trụ sở tạm thời bằng tranh tre, nứa lá; thu mua lương thực; tăng gia sản xuất để đảm bảo cho bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sỹ; tiếp nhận vũ khí, quân trang, quân dụng trang bị cho CBCS tham gia các chiến dịch biên giới, đảm bảo trật tự tiếp quản thị xã Lạng Sơn… Đầu những năm 1950, sau ngày Lạng Sơn được giải phóng, lực lượng Công an từng bước được tăng cường, Công an các huyện được thành lập; bộ phận kế toán, quản trị Văn phòng ty đảm đương nhiệm vụ công tác hậu cần cho Công an các huyện. Thực hiện Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 của Chủ tịch nước và Nghị định số 74/NĐ của Bộ Công an, Công an các cấp có bộ phận làm công tác kế toán, quản trị; mọi chi phí hành chính do ngân sách địa phương đảm bảo. Từ đó lực lượng Hậu cần có hệ thống tổ chức ở Công an các cấp. Cũng trong năm 1953, Ty Công an Lạng Sơn đã tiếp nhận quản lý và bảo vệ trại giam; bộ phận hành chính kế toán của Trại giam có trách nhiệm lập dự trù ngân sách cấp dưỡng, xây dựng trại hàng năm… tổ chức lao động sản xuất và thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân theo đúng quy định.
Hòa bình lập lại 1954, Ty Công an chuyển về thôn Khòn Pịt (xã Hoàng Đồng), sau đó chuyển vào Thị xã tiếp quản cơ sở Sở Cảnh sát cũ của địch ở phía Nam đầu cầu Kỳ Cùng. Cơ sở vật chất Ty Công an dần dần được củng cố, chế độ chính sách từng bước cung cấp theo định lượng, vũ khí, phương tiện. Ngày 27/12/ 1967 Văn phòng Ty đã tách thành 2 đơn vị là: Phòng nghiên cứu tổng hợp và Văn phòng Ty (Văn phòng Ty nay là Phòng Hậu cần bao gồm có quản trị - bếp ăn, kế toán - tài vụ, quân trang, quân khí, y tế chăm sóc sức khỏe, lái xe... với biên chế 01 Chánh Văn phòng, 01 Phó Văn phòng và 15 cán bộ, nhân viên). Những năm 1970 khi giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt ra Miền Bắc thì trụ sở Ty Công an chuyển về Ba Toa (trụ sở hiện nay) và một bộ phận sơ tán vào Hòa Cư (Cao Lộc), Văn phòng Ty Công an chuyển vào ở địa điểm hang Nhị Thanh, thực hiện nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí, phương tiện, vật tư phục vụ các mặt công tác Công an. Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập thành tỉnh Cao Lạng, tỉnh lỵ đóng ở Thị xã Cao Bằng, lực lượng Hậu cần Ty Công an khẩn trương tham mưu chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, vật tư xây dựng chỗ ăn ở, nơi làm việc tại Cao Bằng. Năm 1978 tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh: Cao Bằng và Lạng Sơn. Ty Công an Lạng Sơn được tái lập; tổ chức bộ máy gồm 18 phòng, ban trong đó có Phòng Hậu cần.
Ngày 17/02/1979 chiến tranh biên giới nổ ra khi Lạng Sơn vừa được tái lập, công việc đang bộn bề, ngổn ngang, lực lượng Hậu cần đã chủ động sơ tán kịp thời toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện, vật tư kỹ thuật, lương thực dự trữ về Gốc Me (Hữu Lũng), Đồng Mỏ, Mai Tùng (Chi Lăng). Trong điều kiện chiến tranh, lực lượng Hậu cần luôn chăm lo chỗ ở, trang phục, lương thực, thực phẩm, phương tiện, quân trang, vũ khí, đạn, thuốc men… cho các đơn vị chiến đấu; tổ chức cứu thương, chăm sóc sức khỏe và thực hiện chính sách đối với các chiến sĩ bị thương vong trong chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã có những chiến sĩ hậu cần anh dũng ngã xuống như liệt sĩ Trần Thị Sâm (Đồn Công an Đồng Đăng), liệt sĩ Nguyễn Văn Thiêm (Bệnh xá Công an tỉnh).
Bước sang thời kỳ đổi mới của đất nước, công tác hậu cần Công an Lạng Sơn đã được đổi mới, theo kịp với sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước. Giai đoạn này, do yêu cầu nhiệm vụ, quân số tăng, nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện chỗ ăn ở cũng tăng, nhưng nguồn kinh phí, trang thiết bị còn hạn chế. Trước yêu cầu thực tiễn, lực lượng Hậu cần có bộ phận tăng gia sản xuất, có trại nuôi bò, nuôi dê (ở Khau Hương - Bình Gia), nuôi gà (ở Đồng Bành), nuôi thả cá, có tổ sản xuất gạch xây dựng, có xưởng sửa chữa ô tô, xe máy (X35); Công an các huyện, thị, Trại tạm giam đều có bộ phận tăng gia sản xuất phục vụ đời sống, công tác của CBCS.
Thực hiện công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay, lực lượng Hậu cần Công an Lạng Sơn từng bước trưởng thành, phát triển; công tác hậu cần đã đạt được nhiều thành tựu, tạo ra bước chuyển đổi lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ yêu cầu công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an Lạng Sơn.
Tổ chức Hậu cần Công an Lạng Sơn được triển khai nghiêm túc theo chủ trương, quy định của Bộ Công an. Ngày 19/8/1990, tách bộ phận Kế toán (thuộc Phòng Hậu cần) ra thành lập Phòng Tài vụ kế toán biên chế phòng gồm: 01 Trưởng phòng, 01 phó trưởng phòng và 10 cán bộ; biên chế Phòng Hậu cần có 01 Trưởng phòng, 02 phó trưởng phòng và 78 CBCS. Đến tháng 7/1992, sáp nhập Phòng Tài vụ kế toán vào Phòng Hậu cần gồm các bộ phận: tổ kế hoạch tổng hợp; tổ quản trị - phục vụ; ban quản lý vật tư và xây dựng; ban tài vụ; ban y tế - bệnh xá; ban quản lý sản xuất kinh doanh; đội xe. Đến nay, biên chế phòng Hậu cần gồm 01 Trưởng phòng, 03 Phó trưởng phòng với hơn 70 cán bộ, chiến sĩ ở 06 đội nghiệp vụ. Công an các huyện, thành phố đều bố trí cán bộ kế toán, lái xe, y tế, nấu ăn; các phòng đều có cán bộ kiêm nhiệm chăm lo công tác hậu cần của đơn vị.
Phòng Hậu cần đã chủ động tiếp nhận, quản lý, điều hành các nguồn kinh phí của Bộ Công an, nguồn hỗ trợ của địa phương đáp ứng kịp thời công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu về nuôi quân, nuôi phạm, các yêu cầu về công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng, ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, các đơn vị trực tiếp chiến đấu, các đơn vị đóng quân địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Công an Lạng Sơn đang quản lý, sử dụng có hiệu quả 59 cơ sở nhà đất từ tỉnh đến xã. Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Kho vật chứng và trụ sở Công an 11 huyện, thành phố... đều được quy hoạch, xây dựng mới khang trang hơn. Đã đề xuất Công an tỉnh trình Bộ Công an phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Công an 18 xã biên giới; tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Công an xã chính quy trên địa bàn; quy hoạch đất xây dựng trụ sở 195 Công an xã, thị trấn; đã xây dựng, đưa vào sử dụng 25 nhà làm việc Công an xã; xây dựng trụ sở Công an tỉnh mới với diện tích đất trên 11 ha với tổng diện tích xây dựng trên 30.000 m2 sàn.
Các chủng loại vũ khí, khí tài, công cụ hỗ trợ, vật tư nghiệp vụ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, văn phòng … được đầu tư trang bị đồng bộ hơn, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến từng bước đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Công an các huyện, thành phố mỗi đơn vị có từ 08 ôtô trở lên, 09-10 xe môtô; Công an các xã được trang bị ít nhất 02 xe môtô/xã, các xã biên giới đã được trang bị xe ô tô phục vụ công tác. Vật tư kỹ thuật nghiệp vụ có trên 42.000 chủng loại với công nghệ sản xuất tiên tiến; số lượng, chủng loại vũ khí tăng, nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại với tính năng, tác dụng ưu việt.
Công tác chăm lo đời sống luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn định lượng cho CBCS, thường xuyên củng cố sắp xếp các bếp ăn tập thể phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang, đổi mới tác phong phục vụ, trang bị thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nuôi quân. Nhà khách Công an tỉnh với diện tích 824m2 hàng năm bố trí chỗ nghỉ cho hàng nghìn lượt CBCS ở Công an các địa phương đến công tác; hiện đang gấp rút triển khai giai đoạn 2 dự án Trung tâm nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh (BL08) với quy mô 200 giường để sớm đưa vào phục vụ nhu cầu lưu trú, tổ chức hội nghị của Công an tỉnh.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe được quan tâm, bình quân hàng năm khám trên 3 nghìn lượt CBCS; thường xuyên tổ chức khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để phân loại đánh giá tình trạng sức khỏe đảm bảo tỷ lệ quân số khỏe trên 97% trở lên. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã tham mưu, trực tiếp triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn lực lượng; cử 06 y bác sĩ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại địa bàn huyện Hữu Lũng; tổ chức cách ly y tế, thu dung, điều trị hàng nghìn lượt CBCS, can, phạm nhân bị mắc Covid - 19, không để tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong lực lượng. Mạng lưới y tế khám chữa bệnh từ Công an tỉnh đến Công an các đơn vị huyện, Thành phố tiếp tục được củng cố; các trang thiết bị, cơ số thuốc men được tăng cường, đội ngũ y bác sĩ thường xuyên được quan tâm đào tạo, phát huy hiệu quả trong khám, điều trị bệnh cho CBCS.
75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Hậu cần, kỹ thuật Công an Lạng Sơn luôn phát huy vai trò trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn đạt nhiều thành tựu góp phần nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Công an Lạng Sơn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Với những nỗ lực, cố gắng đơn vị nhiều năm đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng", Chi bộ luôn được công nhận là "Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh" nhiều lượt tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, hàng trăm lượt CBCS được Chính phủ, Bộ công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và các ngành tặng bằng khen. Năm 2003 đơn vị được Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt nam tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba, năm 2021 được Bộ Công an tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì ANTQ.
Tự hào với truyền thống 75 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, tiếp nối những thành tựu mà lực lượng Hậu cần, Kỹ thuật đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, lực lượng Hậu cần Công an Lạng Sơn hôm nay sẽ tiếp tục chặng đường của các thế hệ cha anh mình, luôn đi trước, về sau, lặng lẽ âm thầm phục vụ trận tuyến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng lưc lượng Công an Lạng Sơn ngày càng vững mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Thái Hồng Công - Giám đốc Công an tỉnh