Một số vấn đề về Trung gian thương mại khi áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cửa khẩu Tân Thanh
25-08-2021
Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng sang Pò Chài, Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của phía Trung Quốc như cấm toàn bộ hoạt động XNC đối với người, kiểm soát nghiêm ngặt các xe hàng xuất khẩu của Việt Nam… Đặc biệt từ tháng 5/2020, Trung Quốc đề nghị mỗi bên thành lập lực lượng lái xe chuyên trách nhằm hạn chế, ngăn chặn lây lan, kiểm soát dịch bệnh từ bên kia biên giới.
Ảnh minh họa
Đứng trước yêu cầu vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, phía các bộ, ngành Trung ương cũng như các ban, ngành liên quan của tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cuộc trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, từ 16/8 đến 17/8/2021, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ Tân Thanh do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp thắt chặt hơn nữa nhằm kiểm soát dịch bệnh, phòng ngừa, ngăn chặn lây lan dịch bệnh vào Trung Quốc.
Theo đó, phía Trung Quốc đã đề nghị với Việt Nam điều chỉnh quy trình XNK hàng hóa theo hướng giao xe và hàng hóa cho lái xe chuyên trách của Trung Quốc tại bến bãi khu vực Pò Chài, Trung Quốc, không cho lái xe chuyên trách của Việt Nam sang trực tiếp giao hàng. Tuy nhiên, việc này có thể phát sinh một số vấn đề như: Giao xe và hàng hóa cho lái xe chuyên trách của Trung Quốc nhưng lại không có cam kết về bảo đảm chất lượng hàng hóa khi giao hàng cho doanh nghiệp phía Trung Quốc. Hiện nay, phần lớn (60-80%) các loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đều mua bán dưới hình thức tiểu ngạch, tức là việc mua bán giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đều không có hợp đồng mua bán, chủ yếu là thỏa thuận mua bán miệng giữa các bên, hàng hóa Việt Nam khi sang Trung Quốc mới tiến hành giao dịch, chủ hàng Việt Nam thường ủy quyền cho lái xe Việt Nam trong bảo quản và giao dịch với phía chủ hàng Trung Quốc, nếu giao xe và hàng cho lái xe chuyên trách của Trung Quốc thì việc kiểm soát hàng hóa và bảo đảm chất lượng sẽ gặp không ít khó khăn, hơn nữa, việc giao xe cho lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ phát sinh thêm các chi phí như: Chi phí thuê lái xe, chi phí bảo hiểm hàng hóa.
Ngày 20/8/2021, phía Trung Quốc thông báo, các cơ quan chức năng của nước này đang tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp hai nước ký kết hợp đồng, xác định trong quá trình giao dịch các bên tự chịu trách nhiệm, rủi ro tương ứng, đồng thời cũng kiến nghị phía Việt Nam tuyên truyền cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành ký kết hợp đồng trước khi xuất khẩu hàng hóa, nếu có doanh nghiệp không ký kết hợp đồng sẽ tạm thời không cho hàng hóa xuất cảnh.
Từ tình hình thực tế nêu trên, vấn đề cấp bách đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đối với hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh là cần có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động XNK hàng hóa, vừa bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Biện pháp thông qua “trung gian thương mại” là biện pháp khả dĩ hiện nay. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, “trung gian thương mại” được điều chỉnh bởi các văn bản luật như: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khóa, Luật Kinh doanh bất động sản… và nhiều văn bản dưới luật khác. Theo Khoản 11, Điều 3, Luật Thương mại 2019 thì “Trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác hàng hóa và đại lý thương mại”. Theo đó, hoạt động trung gian thương mại là có sự tham gia của ba bên, trong đó có bên trung gian thương mại nhận sự ủy nhiệm của bên thuê dịch vụ để làm việc với bên thứ ba, điều đó có nghĩa là, trung gian thương mại làm trung gian, làm cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay tại cửa khẩu Tân Thanh, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn là hoạt động mua bán XNK theo hình thức tiểu ngạch biên giới, không có hợp đồng mua bán, cùng với đó là các chính sách điều tiết kinh tế biên mậu của Trung Quốc luôn thay đổi, điều đó đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế bị động. Do vậy, để giảm thiểu sự phụ thuộc, cũng như tránh các rủi ro bởi các chính sách kinh tế biên mậu của phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng liên quan của Lạng Sơn cần có những tham mưu, hướng dẫn doanh nghiệp chủ động thỏa thuận với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc lựa chọn, ủy thác cho doanh nghiệp có năng lực, uy tín đứng ra làm trung gian thương mại giữa doanh nghiệp hai nước hoặc hai bên trao đổi, thống nhất, hướng dẫn doanh nghiệp cử đại diện sang nước bạn để đảm trách việc giao dịch hàng hóa, nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh của nước sở tại, nhằm bảo đảm hoạt động thương mại diễn ra thông suốt, bình đẳng và tránh được những thiệt hại không đáng có trong hoạt động XNK tiểu ngạch như hiện nay./.
Sơn Thái - Phòng An ninh kinh tế, Công an Lạng Sơn