Nâng cao tác động tích cực của xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND từ cấp cơ sở
15-10-2020
1. Xác định Chỉ số CCHC là chủ trương quan trọng của Chính phủ, đó là việc đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hàng năm giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ với nhau và giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhau. Với tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang, Bộ Công an không tham gia xác định Chỉ số CCHC cùng các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tham khảo Bộ Chỉ số CCHC của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ xây dựng và cụ thể hóa, áp dụng vào thực tiễn công tác Công an để xây dựng và tham mưu cho Bộ trưởng ban hành một bộ công cụ để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai CCHC hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương. Xuất phát từ chủ trương đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số CCHC trong CAND”. Đề án được ban hành và tổ chức thực hiện nhằm đạt được 4 mục tiêu sau: Xác định được các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC trong CAND phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của Công an các đơn vị, địa phương; xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần; Hàng năm công bố và xếp hạng Chỉ số CCHC trong CAND; sử dụng kết quả xác định Chỉ số CCHC trong CAND là một trong các căn cứ để xét thi đua hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương.
Xác định Chỉ số CCHC trong CAND là vấn đề còn tương đối mới, do đó Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có lộ trình phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó năm 2015 đã thực hiện thí điểm xác định Chỉ số CCHC đối với 23 Công an đơn vị, địa phương được lựa chọn ngẫu nhiên để đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, bắt đầu từ năm 2016, Bộ Công an quyết định xác định chỉ số CCHC đối với tất cả các đơn vị Công an các đơn vị, địa phương.
Ở các đơn vị trực thuộc Bộ, việc xác định Chỉ số CCHC được thực hiện trên 7 lĩnh vực, gồm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chiến sĩ trong CAND; CCHC tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài 7 lĩnh vực nói trên, còn xác định Chỉ số CCHC trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và công dân.
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá của Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan thường trực của Bộ Công an đã tổ chức thẩm định khách quan và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định về điểm số trên từng lĩnh vực của các đơn vị, địa phương; trong đó đã thực hiện cộng điểm thưởng đối với các đơn vị làm tốt, có nhiều sáng kiến và trừ điểm đối với những đơn vị thực hiện công tác CCHC yếu, bị người dân kiến nghị, phản ánh.
2. Công an tỉnh Lạng Sơn đã tham gia thí điểm xác định Chỉ số CCHC từ năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ Công an, kết quả xác định qua các năm đều đạt từ loại khá trở lên. Thông qua xác định Chỉ số CCHC hàng năm cho thấy thời gian qua công tác CCHC trong Công an tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực, cụ thể: các đơn vị đã bố trí nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với các điều kiện đảm bảo, phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu, đã có nhiều cải tiến trong quy trình thủ tục, phục vụ tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Lực lượng công an xã giải quyết TTHC cho người dân
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã bố trí 995 cán bộ chiến sĩ tại Công an các xã, thị trấn đây là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác cải cách hành chính tại cơ sở. Do lực lượng Công an xã chính quy được bố trí từ nhiều đơn vị, nhận thức về công tác CCHC của một số cán bộ chiến sĩ chưa đầy đủ, sẽ tác động, ảnh hưởng tới xác định Chỉ số CCHC của Công an tỉnh. Để nâng cao tác động tích cực của công tác CCHC ở cơ sở phục vụ xác định Chỉ số CCHC của Công an tỉnh, thời gian tới lực lượng Công an cấp xã cần thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Trưởng Công an xã về công tác CCHC, chú trọng nâng cao nhận thức cán bộ, đảm bảo CCHC phải có trọng tâm, trọng điểm và phải bố trí nguồn lực thỏa đáng để triển khai thực hiện. Coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của hệ thống chính trị và nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ CCHC; đẩy mạnh tuyên truyền về mục “Dịch vụ công” và “Hỏi đáp trực tuyến” trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh để tạo kênh thông tin cho người dân, tổ chức phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đa dạng hóa hình thức để người dân, tổ chức được tiếp cận các kế hoạch, văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh, sản xuất trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong công tác nắm, quản lý địa bàn, kiểm tra, hướng dẫn. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện, gắn kết quả CCHC với trách nhiệm của từng cán bộ; Trước mắt, tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 7648/QĐ-BCA-V19, ngày 24/12/2014 của Bộ Công an ban hành Quy định về chế độ kiểm tra, báo cáo công tác kiểm soát TTHC và hướng dẫn niêm yết công khai TTHC, nội dung và địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức trong Công an nhân dân, Thông tư số 15/2020/TT-BCA ngày 12/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác QLHC về TTXH, Thông tư số 19/2020/TT-BCA, ngày 21/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của Công an nhân dân. Chủ động thống kê, rà soát các văn bản, TTHC có liên quan đến tổ chức, người dân và nội bộ lực lượng Công an nhằm kịp thời cập nhật những nội dung được đơn giản hóa, phát hiện những bất cập để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm đảm bảo tối đa yêu cầu phục vụ người dân, tổ chức.
Hai là, Trưởng Công an cấp xã nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC gắn với những điều kiện đặc thù của địa bàn cơ sở; chú trọng công khai, minh bạch hóa quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ chiến sĩ trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác thi đua khen thưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của mỗi cán bộ chiến sĩ.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu, áp dụng các phương pháp làm việc khoa học, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ, TTHC theo quy định, không được yêu cầu người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần. Nâng cao chất lượng đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để giải quyết thực chất, dứt điểm và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật; duy trì công khai thời gian, địa điểm tiếp công dân tại trụ sở tiếp nhận giải quyết TTHC. Coi trọng việc lấy ý kiến của người dân đánh giá về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ; lấy sự hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Bốn là, thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, tiếp nhận những phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định tại Quyết định số 4067/QĐ-BCA, ngày 23/7/2014 của Bộ Công an về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân, tổ chức tránh tính trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.
HẢI ĐƯỜNG
Công an tỉnh