Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Hoạt động Công an tỉnh

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em

09-07-2020

Đuối nước - kẻ giết người thầm lặng, là loại tai nạn nguy hiểm và dễ gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em. Theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu, có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8- 10 lần các nước phát triển. Trong số đó có rất nhiều nạn nhân tử vong do không được sơ cứu kịp thời, đúng cách đã tử vonghoặc được cứu sống nhưng vẫn chịu những di chứng nặng nề.
 
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 7 vụ đuối nước hết sức thương tâm làm chết 8 trẻ, điển hình: Ngày 08/5/2020, tại xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định có 8 em học sinh rủ nhau đi tắm suối gần nhà tại thôn Thống Nhất, khi đang đùa nghịch dưới nước, không may, 2 em là Hà Thị Lý T (sinh năm 2010), và Hoàng Thị Thùy L (sinh năm 2012), không may bị nước xiết cuốn trôi dẫn đến tử vong do đuối nước. Người dân xung quanh khu vực đã tích cực tìm kiếm và sau nhiều giờ mới vớt được thi thể của hai em. Vào khoảng 17 giờ 00 phút, ngày 13/5/2020, em Lương Minh C (sinh năm 2012), là học sinh lớp 2 Trường Tiểu học xã Trùng Khánh, học tại điểm trường Pá Tặp, thuộc thôn Pá Tặp, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng. Buổi chiều cùng ngày cháu Lương Minh C được nghỉ học, có đi theo bố (ông Lương Văn N) vào trang trại của gia đình cách nhà ở khoảng 3m, thuộc địa phận thôn Pò Hà, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng. Trang trại của gia đình có ao sâu, rộng khoảng 3 sào, do sơ suất không may cháu Lương Minh C rơi xuống ao, bị đuối nước dẫn đến tử vong.
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là: Do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ; tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối; bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: Đó là khi các em tự cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức về phòng, chống đuối nước cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị đuối nước dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
 
Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Hội Phụ nữ Công an tỉnh, ngày 22 và 29/6/2020, Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền công tác phòng, chống đuối nước cho 383 cán bộ giáo viên nhân viên, học sinh tại trường THCS xã Hòa Cư  và trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Qua đó đã trang bị cho các em học sinh những hiểu biết về đuối nước, những tình huống dễ bị đuối nước, những khu vực nước nguy hiểm, lưu ý khi tham gia tắm, bơi, kỹ năng phòng chống trẻ bị đuối nước, kỹ năng “bơi tự cứu”, “bơi sống sót”; kỹ năng cứu đuối, kỹ năng sơ cứu ban đầu khi gặp tình huống đuối nước, gặp nguy hiểm.
 
Với đặc điểm, tính chất ở trẻ em là trí tuệ phát triển chưa hoàn thiện, thiếu các kỹ năng, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết về các nguy cơ và cách phòng tránh còn non nớt, hạn chế nên chưa biết cách ứng xử trước các tình huống nguy hiểm, tai nạn và ít có khả năng phòng tránh các hiểm họa. Để phòng tai nạn đuối nước các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người và các em học sinh cần lưu ý:
 
1. Chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao, mang dụng cụ nổỉ.
 
2. Chỉ tắm ở những khu vực an toàn, nơi được phép tắm và có nhân viên cứu hộ giám sát.
 
3. Không được đi tắm, bơi ngoài biển, sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
 
4. Không chơi, đùa nghịch  quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh  bị ngã, rơi xuống hố.
 
5. Nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ  cần làm cửa chắn và rào quanh nhà.
 
6. Nên nhắc cha mẹ lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng. Nhắc cha mẹ làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại, xô, chậu nước.
 
7. Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
 
8. Nên nhắc người lớn dạy bơi cho trẻ, tập bơi sớm từ 4 tuổi trở lên.
 
9. Đặc biệt, khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân và lập tức gọi cho lực lượng y tế số 115, lực lượng cứu nạn cứu hộ qua số điện thoại 114.
 
Vấn đề quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em là sự quản lý, quan tâm của mỗi gia đình, cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Có như vậy mới hạn chế được những tai nạn do đuối nước gây ra.
"An toàn của các bạn là hạnh phúc của chúng tôi!"
Hoàng Minh Ngọc - Công an tỉnh 

Tin liên quan