Dự thảo Thông tư quy định quy trình khám nghiệm hiện trường của lực lượng Công an nhân dân
28-07-2024
Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định quy trình khám nghiệm hiện trường của lực lượng Công an nhân dân (CAND) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Dự thảo Thông tư này quy định những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường, trình tự khám nghiệm hiện trường, thu mẫu so sánh, dựng lại hiện trường, hồ sơ khám nghiệm hiện trường, báo cáo khám nghiệm hiện trường của lực lượng CAND.
Áp dụng đối với Cơ quan điều tra các cấp trong CAND; Các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Lực lượng Kỹ thuật hình sự CAND; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động khám nghiệm hiện trường của CAND.
Lực lượng Công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Theo đó, những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường gồm có chuẩn bị lực lượng, phương tiện khám nghiệm hiện trường và giải quyết ban đầu khi đến hiện trường. Cụ thể, việc giải quyết ban đầu khi đến hiện trường quy định, trước khi khám nghiệm, lực lượng khám nghiệm hiện trường cần thực hiện một số nội dung sau:
- Yêu cầu người chỉ huy công tác bảo vệ hiện trường báo cáo tình hình và kết quả bảo vệ hiện trường. Trực tiếp kiểm tra công tác bảo vệ hiện trường để có căn cứ quyết định có cần tăng cường lực lượng bảo vệ nữa không, có cần mở rộng phạm vi bảo vệ không.
- Trao đổi với cơ quan chủ quản, với thân nhân nạn nhân, với chính quyền địa phương, với những người phát hiện vụ việc đầu tiên để nắm diễn biến tình hình vụ việc, về tình hình an ninh trật tự ở khu vực hiện trường.
- Lựa chọn và mời người chứng kiến khám nghiệm. Người chứng kiến có thể là người đại diện chính quyền địa phương, đại diện cơ quan, tổ chức, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Yêu cầu địa phương, cơ quan đơn vị phối hợp và giúp đỡ trong quá trình khám nghiệm (nếu thấy cần thiết).
- Xem xét, quyết định biện pháp xử lý đối với các dấu vết, vật chứng, dữ liệu điện tử, hình ảnh có nguy cơ bị thay đổi, phá hủy; Xem xét thiết lập lối đi riêng phục vụ việc đi lại, quan sát ở hiện trường.
- Người chủ trì khám nghiệm hội ý nhanh với lực lượng khám nghiệm để lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng tham gia khám nghiệm: Người chụp ảnh, người ghi hình, người vẽ sơ đồ, người phát hiện, thu thập dấu vết, người ghi chép, thống kê phục vụ viết biên bản.
Ngoài ra, trình tự khám nghiệm hiện trường; thu mẫu so sánh; dựng lại hiện trường; hồ sơ khám nghiệm hiện trường; báo cáo khám nghiệm hiện trường đều được quy định cụ thể tại Dự thảo này.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây: https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-du-thao.html
Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Công an