Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

"Thử thách Momo"- mối nguy hiểm ẩn chứa từ video hoạt hình trên mạng

04-12-2020

Cuối tháng 11 năm 2020, một bé trai 8 tuổi sống tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã tử vong do làm theo "thử thách Momo" trên YouTube của mạng Internet. Trước đó, một bé gái 5 tuổi ở TP.HCM cũng đã tử vong sau khi làm theo video "thắt cổ nhưng vẫn thở được" của "thử thách Momo".Liên tiếp các vụ việc đau lòng xảy ra đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của việc để trẻ em tự do xem các chương trình trên mạng Internet.


"Thử thách Momo" sử dụng hình ảnh một nhân vật là một phụ nữ có hình dạng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen và mắt lồi
 
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Đồng Nai, khoảng 20h30 ngày 21/11/2020, bé trai 8 tuổi ngồi xem tivi tại phòng khách cùng gia đình, sau đó bé vào nhà vệ sinh để đi tắm. Tuy nhiên sau 30 phút chưa thấy bé ra ngoài, gọi không thấy bé trả lời, gia đình phá cửa xông vào thì phát hiện bé trong tình trạng dùng áo đang mặc để treo cơ thể lơ lửng sát tường, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Cháu bé được xác định đã tử vong trước khi gia đình đưa đi cấp cứu. Theo cơ quan Công an, cái chết của bé trai này giống một bé gái 5 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, bé gái cũng đã xem và làm theo video hướng dẫn của trò chơi thắt cổ nhưng vẫn thở của "Thử thách Momo" trên mạng xã hội.
 
"Thử thách Momo" sử dụng hình ảnh một nhân vật là một phụ nữ có hình dạng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen và mắt lồi. Momo có thể xuất hiện bất chợt trong bất cứ một video clip nào được phát trên ứng dụng YouTube Kids, chèn vào giữa các bài hát thiếu nhi, phim hoạt hình mà trẻ đang xem trên mạng Internet và điều khiển trẻ em tham gia vào các trò chơi, thử thách đáng sợ. Đỉnh điểm nguy hại từ trò chơi kì dị này là hướng dẫn đứa trẻ tham gia một cách bị động vào các thử thách để tự làm tổn thương bản thân và kết thúc bằng việc tự sát. Hiện vẫn chưa thể xác định "thử thách Momo" bắt nguồn từ đâu và những người dàn dựng lên chương trình này có mục đích gì nhưng có thể thấy nó có nội dung xấu, độc hại đem đến hậu quả rất nghiêm trọng.
 
Không chỉ riêng "thử thách Momo", hiện có nhiều nội dung độc hại trên mạng xã hội đang âm thầm tiếp cận trẻ em, đặc biệt là những trẻ có biểu hiện thu mình, ít giao tiếp với bạn bè hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn. Thông qua các video hướng dẫn trẻ em vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua thử thách nhưng thực tế lại là những hành động nguy hiểm cho cơ thể, tính mạng của các em nhỏ. Trong khi đó trẻ nhỏ chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hại nên dễ dàng làm theo để muốn khẳng định bản thân hoặc đơn giản chỉ là thỏa mãn sự tò mò.
 
Hiện nay, lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ sử dụng công nghệ cao nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nhiều vụ án liên quan tới hành vi xâm hại trẻ em; xử lý rất nhiều đường link, trang mạng đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xấu, độc hại. Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam cũng đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật để sàng lọc thông tin; tìm kiếm những thông tin xấu. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được một phần của yêu cầu thực tế do mạng Internet kết nối toàn cầu, việc ngăn chặn nội dung xấu, độc trên mạng là việc làm rất khó khăn. Do vậy để ngăn chặn mối nguy hiểm từ các chương trình trên mạng Interner cần có sự vào cuộc tích cực của nhà trường và gia đình để dạy trẻ kỹ năng sử dụng mạng an toàn, tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng cũng phải chú ý đến giảm thiểu những mặt trái của nó. Tăng cường dạy trẻ kỹ năng sống, nhận biết được đâu là vấn đề tốt, xấu để phòng tránh, dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống sót trong các tình huống cấp bách. Đồng thời giám sát trẻ em khi tham gia mạng xã hội và sử dụng Internet. Cần thường xuyên chú ý đến con trẻ khi có biểu hiện chơi các trò lạ để kịp thời kiểm soát. Phụ huynh cũng cần chọn lọc chương trình cho trẻ xem, đồng thời phân bổ thời gian hợp lý để trẻ không bị nghiện và phụ thuộc vào điện thoại, máy tính hay tivi. Có như vậy mới hạn chế mối nguy hại tiềm ẩn từ các chương trình có nội dung xấu, độc hại trên mạng Internet./. 
NGUYỆT MY         

Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin liên quan