Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo công dân sang Campuchia lao động

30-09-2022

Thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân gia tăng.

Nạn nhân bao gồm cả nam và nữ, độ tuổi từ 18 - 35, sức khoẻ tốt, không có công việc ổn định, chủ yếu sống ở khu vực ngoại thành, nông thôn hoặc vùng dân tộc thiểu số. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân bằng những lời hứa hẹn được làm công việc nhẹ nhàng, trả lương cao (khoảng 900USD/tháng). Tuy nhiên, công việc chủ yếu khi ra nước ngoài là dụ dỗ, lôi kéo khách hàng người Việt ở trong và ngoài nước đầu tư vào các sản phẩm phi pháp hoặc rủi ro cao liên quan đến tiền ảo, chứng khoán quốc tế, đánh bạc, cá cược trực tuyến và lừa đảo công nghệ cao. Phần lớn các nạn nhân bị bóc lột sức lao động, áp chỉ tiêu công việc cao, không được hưởng mức lương như thoả thuận và chịu sự quản lý chặt chẽ từ người nước ngoài. Trường hợp phản đối sẽ bị đe doạ đánh đập, tra tấn, ngược đãi, bắt ký giấy nợ, bán cho các công ty khác, thậm chí bị giết hoặc yêu cầu tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, theo quy trình khép kín; không chỉ bóc lột sức lao động, mà còn biến nạn nhân người Việt trở thành đối tượng phạm tội lừa đảo người Việt, giúp sức, chịu trách nhiệm thay các đối tượng cầm đầu trong các đợt truy quét của chính quyền các nước.

Ảnh minh họa

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 03/2022 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều trường hợp công dân bị lừa đảo sang Campuchia lao động, tập trung tại các huyện Hữu Lũng (26 vụ), Lộc Bình (10 vụ), Bắc Sơn (08 vụ), Văn Quan (07 vụ)… Nạn nhân được đưa sang Campuchia theo đường chính ngạch qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh hoặc qua đường tiểu ngạch. Tại Campuchia, nạn nhân bị ép làm công việc vi phạm pháp luật: đánh bạc online; sử dụng mạng xã hội Zalo, facebook lừa đảo người Việt Nam qua hình thức làm cộng tác viên của trang thương mại điện tử; mời tham gia đầu tư online... Các nạn nhân phải làm việc 15 tiếng/ngày, nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ không được công ty trả lương, thậm chí bị trói tay, chân vào ghế sắt và dí điện, không cho ăn uống… Nếu muốn về nước phải trả tiền chuộc từ 2.500 USD trở lên, tuy nhiên có trường hợp đã chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền hơn 400.000.000đ nhưng vẫn chưa được về nước. Nhiều nạn nhân không có tiền chuộc đã phải tìm cách bỏ trốn về nước qua các đường mòn, bơi qua sông tại khu vực giáp ranh giữa 2 nước. Điển hình là vụ việc ngày 18/8/2022, 42 công dân Việt Nam làm việc tại Campuchia đã bỏ trốn khỏi Casino gần cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang, bơi qua sông Bình Di về nước, trong đó có 01 công dân người Lạng Sơn (sinh năm 1990, trú tại khu Pò Mục, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).

Từ thực trạng trên cho thấy việc công dân ra nước ngoài lao động, tìm kiếm việc làm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, vì vậy, người dân cần thận trọng, cảnh giác tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo, gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho bản thân./.

Hoàng Lan – Công an tỉnh

Tin liên quan