Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay

24-05-2019

Theo Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Khoản 8, Điều 4 Luật này nêu rõ "Xâm hại tình dục trẻ em" là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
 
Tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm khi mà trong thời gian vừa qua, ở Việt Nam xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp như: vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm bạn học lớp 10 ở Quảng Trị; vụ dâm ô bé gái trong thang máy ở Thành phố Hồ Chí Minh; thầy giáo ở Hà Nội dâm ô nhiều nam sinh lớp 7… Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, tính riêng năm 2018 xảy ra 24 vụ 32 đối tượng, xâm hại 23 trẻ em (19 nữ, 4 nam), trong đó, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong nhóm tội xâm hại trẻ em.  
 
 
Đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Lộc Bình xảy ra vụ giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi,
nạn nhân là cháu V sinh năm 2007 bị đối tượng Lý Văn Cao (SN 1973, trú tại xã Nam Quan,
huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) siết cổ khiến cháu tử vong rồi thực hiện hành vi hiếp dâm
 
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do: công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả; nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, nhiều cha mẹ chưa chú trọng dạy con kỹ năng tự bảo vệ, do đó trẻ em chưa được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; cùng với đó là sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin mạng Internet, phim có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, công tác điều tra cũng gặp nhiều khó khăn do nạn nhân còn nhỏ tuổi chưa nhận thức được bản thân bị xâm hại; một số vụ nạn nhân và người thân thiếu hiểu biết về pháp luật, bị đe dọa hoặc đối tượng gây án là người thân trong gia đình nên không tố cáo hành vi của các đối tượng. Hành vi xâm hại tình dục trẻ em gây nên hậu quả rất nặng nề, trực tiếp ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý, sự phát triển của trẻ em; là hành vi xuống cấp về đạo đức gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân; gây mất an ninh trật tự, đe dọa an ninh, an toàn của trẻ em…
 
Để nâng cao hiệu qủa công tác này, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em vui chơi, học tập, phát triển, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của toàn xã hội, cụ thể là:
 
Đối với gia đình: Cha mẹ thường xuyên gần gũi con em của mình, chủ động giáo dục về vấn đề giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ; quan tâm đến việc chăm sóc trẻ toàn diện về thể chất, tinh thần, tâm sinh lý; không để trẻ em tự mình đi lại những nơi có nguy cơ cao cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi xâm hại tình dục (thang máy, rạp chiếu phim, nơi vắng vẻ…); trong trường hợp phát hiện con bị "xâm hại tình dục" thì cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý tránh việc tư duy ngại ngùng, giấu diếm; định hướng cho con em sử dụng mạng Internet hợp lý ngăn ngừa tác động tiêu cực đến tâm, sinh lý trẻ em từ môi trường mạng.
 
 
Lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Lộc Bình
 
Đối với nhà trường: Đẩy mạnh giáo dục văn hóa gắn với giáo dục về giới tính trong các cấp học ngay từ cấp tiểu học; chú trọng giáo dục kỹ năng "tự bảo vệ" cho trẻ em khi bị kẻ xấu thực hiện hành vi xâm hại tình dục; tổ chức diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh, sinh viên về nguyên nhân, hậu quả, cách phòng tránh xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong giáo dục học sinh, sinh viên nhằm nắm rõ về tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, những thay đổi về tâm lý để kịp thời động viên, giúp đỡ các em đặc biệt là trong trường hợp bị "xâm hại tình dục".
 
Đối với xã hội: Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, chú trọng phổ biến trong các tầng lớp nhân dân chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về trẻ em, quyền trẻ em, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em; tổ chức các sân chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em; các cơ quan chức năng chủ động nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý thích đáng đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.

Tuấn Anh PA03 

Tin liên quan