Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin an ninh trật tự

Phòng chống bạo lực gia đình - Trách nhiệm của toàn xã hội

26-06-2021

Hiện nay, các vụ bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối, gây phẫn nộ trong xã hội. Nhiều năm qua, các vụ việc này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi mà cả ở khu vực thành thị. Bạo lực gia đình không chỉ xảy ra với những đối tượng có trình độ thấp mà còn xảy ra ở cả những người được cho là có kiến thức và hiểu biết xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong 06 tháng đầu năm 2021 xảy ra 28 vụ bạo lực gia đình, tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2020; trong đó xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, người thân trong gia đình sát hại nhau, như: Con hại bố, chồng hại vợ… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bạo lực gia đình để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đe dọa tính mạng, tổn thương tinh thần; gây tan vỡ gia đình, xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp; gây mất trật tự, an toàn xã hội; nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hình thành xu hướng sử dụng bạo lực của các thế hệ tiếp theo trong gia đình.

Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Nguyên nhân đầu tiên là do nhận thức, sự hiểu biết pháp luật của cả vợ chồng và các con còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười. Cùng với đó là tư tưởng về định kiến giới, người dân thiếu kỹ năng ứng xử trong gia đình. Nguyên nhân thứ hai là do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, kinh tế khó khăn, con cái vi phạm pháp luật. Trong đó, một số đối tượng bị mắc bệnh tâm thần, loạn thần do sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, chất ma túy,…); một số đối tượng thanh thiếu niên thiếu hiểu biết pháp luật, ăn chơi, đua đòi, nghiện ma túy, ảnh hưởng của mặt trái Internet, phim ảnh độc hại, game,… dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với người thân trong gia đình. Nguyên nhân thứ ba là đời sống vợ chồng không được hạnh phúc thường dẫn đến sự phản bội trong hôn nhân, ngoại tình dẫn đến gia đình tan vỡ. Nguyên nhân thứ tư là do việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu từ cuối năm 2019 đến nay vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, gây thiệt hại về tính mạng con người, suy thoái kinh tế, việc hạn chế đi lại, áp dụng cách ly, hoạt động bị đình trệ, thất nghiệp gia tăng,… cùng với những áp lực, căng thẳng kinh tế - xã hội dẫn đến nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới ngày càng gia tăng, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực gia đình thường không được phát hiện ngay, cách thực thực hiện bạo lực gia đình cùng ngày càng đa dạng. Giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình cần tiến hành đồng bộ.

Ảnh minh họa

Một là nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật - đặc biệt là Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Trước thực trạng Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 còn nhiều hạn chế, bất cập không còn phù hợp. Dự thảo sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được xây dựng và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng nhất để xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cũng góp phần nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh.

Hai là nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đối tượng tuyên truyền trong phòng, chống bạo lực gia đình là tất cả các thành viên trong gia đình. Ngoài ra cũng cần mở rộng tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại nơi  làm việc, nơi cư trú, giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường, để tất cả đều nhận biết về các dạng bạo lực gia đình. Nội dung giáo dục, tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền con người, về quyền của trẻ em… Hình thức giáo dục, tuyên truyền cần được chú trọng hơn, không chỉ thực hiện cho phong phú, đa dạng mà cần đầu tư cho hình thức nào đem lại hiệu quả thực sự, chú trọng tuyên truyền, chia sẻ trên Internet, các trang mạng xã hội. Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; chấp hành kỷ luật, kỷ cương, văn hóa công sở.

Ba là nâng cao chất lượng công tác hòa giải và phổ biến kỹ năng xử lý tình huống cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Hòa giải phải thực sự làm thay đổi nhận thức của người có hành vi bạo lực chứ không chỉ là sự hòa giải nhất thời. Người làm công tác hòa giải phải có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực gia đình, ngoài ra nên lựa chọn người có uy tín. Thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, thôn làm công tác gia đình. Bên cạnh đó, cần phổ biến kỹ năng cần thiết để nạn nhân bạo lực gia đình tự bảo vệ mình như: nhận biết các dạng bạo lực gia đình, gọi tới số điện thoại khẩn cấp của người đáng tin cậy, ghi nhận lại bằng chứng bạo lực gia đình, tìm đến chuyên gia tâm lý, cách ứng xử khi người trong gia đình nóng giận, biết thủ tục tố cáo khi bị bạo hành…

Bốn là, đối với lực lượng Công an cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Nội dung tuyên truyền phù hợp với nhận thức, phong tục tập quán, lứa tuổi, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: Số nạn nhân đã từng bị bạo lực, bạo hành, xâm hại; các gia đình không hòa thuận, thường xảy ra mâu thuẫn; gia đình có người nghiện ma túy, tâm thần; gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Tăng cường triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.

Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức điều tra khám phá nhanh các vụ án xảy ra, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp chỉ đạo giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình phòng ngừa vi phạm pháp luật. Tăng cường quản lý đối với các đối tượng có biểu hiện tâm thần sinh sống tại cộng đồng nên công tác phòng ngừa đạt hiệu quả cao. Công tác điều tra khám phá được chú trọng, 100% các vụ xảy ra đều được điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật. Đặc biệt, nhanh chóng khám phá, bắt giữ đối tượng gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ổn định dư luận.

Phòng chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc.

Ngọc Bích - Công an tỉnh

Tin liên quan