Tin ANTT và cảnh báo tội phạm
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
26-06-2021
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Thực trạng đó đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc chung tay phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, cả nước phát hiện 1.945 vụ xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó xâm hại tình dục 1.349 vụ, 1.576 trẻ em). Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện 08 vụ, 09 đối tượng xâm hại 09 trẻ em (trong đó xâm hại tình dục 02 vụ, 02 trẻ em). Mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục dù là trẻ sống trong gia đình khó khăn hay gia đình khá giả và không những chỉ trẻ em gái mà trẻ em nam giới cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục. Đáng nói, sau khi bị xâm hại nạn nhân thường không dám kể về những gì đã diễn ra. Hầu hết các đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm trong thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý; đối tượng lợi dụng khi không có người lớn quản lý, giám sát các cháu, đặc biệt lợi dụng nhận thức còn non nớt của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây ra cho các em vết sẹo trên thân thể mà trẻ còn chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần. Hành vi của những kẻ xâm hại có thể gây ám ảnh suốt cuộc đời đứa trẻ, ngoài ra việc quan hệ tình dục không an toàn hậu quả để lại là mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây nhiễm về tình dục, các rối loạn khi trưởng thành.
Nguyên nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có thể xuất phát từ bản thân người phạm tội hoặc từ chính gia đình và cộng đồng xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em.
Thứ nhất, một số đối tượng phạm tội bị ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại, mặt trái của Internet và mạng xã hội, những hình ảnh, phim đồi trụy dẫn đến lệch lạc về giới tính, sinh hoạt tình dục.
Thứ hai, vai trò quản lý, giáo dục của gia đình với trẻ em ở nhiều gia đình chưa được coi trọng phát huy. Nhận thức của gia đình nạn nhân còn nhiều hạn chế, thường các vụ xâm hại trẻ em khi người thân và gia đình phát hiện thì ít khi đi tố cáo tội phạm vì sợ xấu hổ, hoặc gia đình nạn nhân và đối tượng tự thỏa hiệp với nhau, khi không tự giải quyết được mới báo lên cơ quan điều tra. Vì nhiều lý do khác nhau, một số bố mẹ để con cái ở nhà cho ông bà đã cao tuổi chăm sóc rồi đi làm ăn xa, cả năm chỉ về nhà một vài lần đã tạo lỗ hổng lớn trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Thứ ba, đối với bản thân trẻ, sự hạn chế trong nhận thức của trẻ về các hành vi xâm hại tình dục, sự tò mò khám phá về giới tính, sự thiếu kỹ năng phòng ngừa và tố giác người xâm phạm, nhiều trường hợp nạn nhân là người bị lừa gạt dẫn đến đồng ý quan hệ tình dục.
Thứ tư, đối với xã hội, công tác tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, giáo dục giới tính, giáo dục các em tự biết cách bảo vệ mình còn có những hạn chế nhất định, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời việc giáo dục pháp luật về xâm phạm tình dục trẻ em còn chưa được rộng khắp, một số đối tượng không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Bên cạnh đó, các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa nên nhiều trẻ em tìm đến các hoạt động giải trí trên mạng xã hội trong đó có cả các loại hình văn hóa phẩm độc hại, từ đó làm tăng nguy cơ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ rồi tìm cách xâm hại.
Để làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, mỗi gia đình, mỗi người dân và cộng đồng, xã hội. Cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đối với gia đình cần dành nhiều thời gian cho con, hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi; quan tâm chăm sóc những sinh hoạt hằng ngày và các mối quan hệ bạn bè của con cái. Bên cạnh đó cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Không nên cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh quá sớm, không cho trẻ mặc quần áo không phù hợp lứa tuổi hoặc ngủ ở những nơi không kín đáo, dễ gây sự tò mò, kích thích tình dục của đối tượng. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác; dạy cho trẻ biết cách thổ lộ mọi chuyện nhất là khi có người động chạm vào bộ phận nhạy cảm của mình, không nghe theo khi có người dụ dỗ cho quà bánh, đòi bế ẵm, rủ đi chơi. Tìm hiểu, hướng dẫn, cung cấp, khuyến khích trẻ đọc sách báo, xem phim ảnh lành mạnh; giải thích cho trẻ hiểu biết về hậu quả khi trẻ bị xâm hại, dạy cho trẻ cách thức phòng ngừa các hành vi xâm hại phù hợp với lứa tuổi. Tìm hiểu các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, tố cáo ngay kẻ xâm hại với các cơ quan chức năng, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ bị tổn thương do bị xâm hại.
Hai là, đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên; trang bị kỹ năng về tự bảo vệ mình cũng như những phản ứng cần thiết khi bị rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn.
Ba là, tăng cường công tác truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân trong công tác bảo vệ trẻ em. Nội dung tuyên truyền về các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, các kiến thức, kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong phối hợp cùng làm tốt công tác phòng ngừa, xâm hại trẻ em gắn với tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vui tươi lành mạnh thu hút trẻ em và thanh thiếu niên.
Bốn là, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Từ đầu năm 2021 đến nay, với vai trò là nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm xã hội, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ban hành 02 kế hoạch để triển khai công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 - 2025 và trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức thủ đoạn tội phạm và các vụ việc xảy ra để người dân và bản thân trẻ nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống, tự vệ khi bị xâm hại. Phối hợp với các nhà trường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, phòng, chống tội phạm, kỹ năng tự vệ bản thân để các em có nhận thức đúng đắn, có các biện pháp tự bảo vệ bản thân. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý chặt chẽ các đối tượng, dân nhập cư, tạm trú, kiểm tra công khai, bí mật các địa bàn phức tạp, nơi hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em để kịp thời ngăn chặn. Đã điều tra làm rõ 08 vụ, 09 đối tượng (tỷ lệ 100%) xâm hại trẻ em và chuyển các ngành chức năng xét xử nghiêm minh trước pháp luật, không để các vụ việc làm hoang mang, bất bình trong dư luận.
Với những việc làm thiết thực, sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp hạn chế, đẩy lùi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, để trẻ em - tương lai của đất nước được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Ngọc Bích - Công an tỉnh