Những giấy tờ cần mang theo khi tham gia giao thông?
26-01-2021
Khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện cần phải mang theo những giấy tờ gì? Nếu không mang theo hoặc không có giấy tờ xe khi tham gia giao thông bị phạt bao nhiêu tiền? Đó là những câu hỏi thường gặp khi người tham gia giao thông chưa nắm rõ về các quy định của pháp luật.
Một số giấy tờ cần mang theo khi tham gia giao thông
Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thường gọi là bảo hiểm xe máy).
Nếu không có hoặc không mang theo một trong các loại giấy tờ trên đều bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:
Giấy đăng ký xe
Đối với ô tô và các xe tương tự xe ô tô
- Trường hợp không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 4 Điều 16). Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm a khoản 6 Điều 16). Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm e khoản 1 Điều 82). Trường hợp nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện (điểm đ khoản 6 Điều 16).
- Trường hợp không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 21).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy .
- Trường hợp không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 17). Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm g khoản 1 Điều 82). Ngoài ra nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện (điểm đ khoản 4 Điều 17).
- Trường hợp không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 21).
Đối với xe thô sơ không có đăng ký, không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải đăng ký và gắn biển số): Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (khoản 1 Điều 18).
Đối với xe máy kéo ( kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng
- Trường hợp không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm d khoản 2 Điều 19). Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm b khoản 3 Điều 19) và tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Ngoài ra nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện (điểm d khoản 3 Điều 19).
- Trường hợp không mang Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 21).
Giấy phép lái xe
Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô:
- Trường hợp không có Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 8 Điều 21). Ngoài ra bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết đinh xử phạt.
- Trường hợp không mang theo Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 21). Trường hợp có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm c khoản 8 Điều 21). Bên cạnh đó, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm i khoản 1 Điều 82).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
- Không có Giấy phép lái xe:
+ Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 21). Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm i khoản 1 Điều 82).
+ Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (điểm b khoản 7 Điều 21). Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm i khoản 1 Điều 82).
- Không mang Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm c khoản 2 Điều 21) trừ trường hợp:
+ Xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (điểm b khoản 5 Điều 21) và bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm i khoản 1 Điều 82).
+ Xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (điểm c khoản 7 Điều 21) và bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (điểm i khoản 1 Điều 82).
Đối với xe máy chuyên dùng
- Không có bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (khoản 2 Điều 22).
- Không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về thông đường bộ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 22).
Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Xe ô tô (bao gầm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô
- Không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc): Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm e khoản 5 Điều 16).
- Không mang Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm c khoản 3 Điều 21).
Xe m áy kéo ( đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
- Không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm c khoản 2 Điều 19) và bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
- Không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định): Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm c khoản 3 Điều 21).
Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô: Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm b khoản 4 Điều 21).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21)./.
Hoàng Anh – PC08