Người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến
Giữ rừng bằng hương ước
17-11-2022
Hơn 80 gốc cây nghiến trong khu rừng nguyên sinh đang được nhiều thế hệ người dân thôn Lũng Nưa, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng giữ gìn và bảo vệ hàng trăm năm qua. Từ những quy định của hương ước và sự tuyên truyền của lực lượng Công an, bà con Nhân dân đang làm rất tốt công tác bảo vệ rừng.
Lực lượng Công an và bà con thôn Lũng Nưa đã trao đổi để bổ sung thêm một số quy định trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh trật tự vào hương ước của thôn
Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Lý Văn Bảo - người có uy tín ở thôn Lũng Nưa vẫn giữ thói quen đi rừng. Vượt qua những vách đá cheo leo, hiểm trở, ông dùng dao phát quang cây dại để bảo vệ những cây gỗ nghiến và một số loại cây lâu năm khác nằm sừng sững trên vách núi đá vôi ngay sau làng. Ông Bảo cho biết: Từ khi ông còn bé đã thấy có những gốc cây to trên rừng, cho đến bây giờ, hơn 80 gốc cây nghiến thân to 4 - 5 người ôm vẫn xanh tốt. Cây không chỉ tỏa bóng mát mà còn giúp giữ nguồn nước, ngăn chặn những tảng đá, phòng ngừa lũ ống, lũ quét từ trên núi xuống ngôi làng. Với ông Bảo và bà con nơi đây, rừng chính là báu vật, che chở, bảo vệ sự bình yên cho thôn bản.
Những gốc cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi
Thôn Lũng Nưa ở nằm ở thung lũng trên khu vực núi cao. Cả thôn có 85 hộ, hơn 400 nhân khẩu với thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng. Thôn được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hùng vỹ. Những gốc cây nghiến mọc lên từ đá, sinh sống trên đá và sừng sững hiên ngang qua thời gian. Bà Phan Thị Dẩu vui vẻ cho biết: Bà về làm dâu ở thôn Lũng Nưa đã gần 50 năm, lúc nào các già làng trong bản cũng răn dạy con cháu trong nhà phải biết giữ rừng, giữ cây, coi đó là tài sản chung của cả làng, trong đó mang cả yếu tố tâm linh và tất cả mọi người đều có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo vệ.
Bà con thôn Lũng Nưa tự hào về cánh rừng nguyên sinh được các thế hệ gìn giữ
Ông Hoàng Văn Liên - một trong những người soạn thảo, đưa các quy định về bảo vệ rừng vào hương ước cho biết: Để giữ gìn được những cây gỗ nghiến cổ thụ này, từ xa xưa đã có hương ước truyền miệng của các thế hệ người dân thôn Lũng Nưa. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ rừng, cùng với sự tuyên truyền của lực lượng Công an, những người có uy tín và bà con trong thôn đã xây dựng hương ước bằng văn bản và đưa những quy định về công tác bảo vệ rừng vào hương ước và phát cho từng hộ gia đình trong thôn để tất cả người dân thực hiện. Trong đó quy định mọi người trong thôn có trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái rừng, không được chặt phá, khai thức rừng trái phép, không săn bắt, bẫy động vật hoang dã trái phép, có ý thức thức phòng cháy, chữa cháy và phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Không ai được khai thác những cây gỗ này khi chưa có ý kiến của cả làng. Đồng thời yêu cầu các hộ gia đình được giao rừng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Đại úy Lăng Huy Thông - Trưởng Công an xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Hương ước của thôn bản có sức mạnh rất lớn đối với tinh thần và ý thức của người dân do đó bên cạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện hương ước về công tác bảo vệ rừng, phòng ngừa, phát hiện tố giác đối tượng, hoạt động xâm hại rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý rác thải đúng cách, chúng tôi cũng đã vận động bà con đưa nội dung thực hiện phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nêu cao ý thức tự phòng, tự quản và công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thôn bản vào trong hương ước. Nhiều năm qua, trên địa bàn thôn Lũng Nưa không có hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có hành vi chặt phá rừng và khai thác rừng trái phép.
Dưới tán cây rừng lâu năm, xanh tốt, bà con Nhân dân thôn Lũng Nưa vui vẻ trò chuyện, tự hào về những cánh rừng được gìn giữ. Rừng đã che chắn, bảo vệ cho thôn bản khỏi sự tàn phá của thiên tai; rừng đem lại không khí trong lành, rừng giữ đất, giữ nước cho bà con sinh hoạt và tưới tiêu hoa màu, đời sống ngày càng cải thiện. Rời thôn Lũng Nưa với những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên những dãy núi đá vôi đẹp như trong tranh. Mong rằng sẽ có thêm nhiều những cánh rừng khác được bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng bằng hương ước, quy ước và ý thức giữ rừng của người dân để những cánh rừng cổ thụ ngày càng tươi tốt, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân./.
Nguyệt My, Hoàng Thơ - Công an tỉnh Lạng Sơn