Cảnh báo những thủ đoạn của các đối tượng xấu, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và một số lưu ý đối với quần chúng Nhân dân
07-10-2021
Trong thời gian qua, việc sử dụng internet đã trở thành thói quen của người dân nhằm phục vụ các nhu cầu, hoạt động như: Học tập, khai thác thông tin, kết bạn, giao lưu, mua bán hàng hóa… Đặc biệt, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… các trang thương mại điện tử online đã thúc đẩy, đáp ứng được các nhu cầu của người dân.
Song, bên cạnh những tích cực mà Internet, mạng xã hội đem lại, lĩnh vực này đã và đang là môi trường để một số loại tội phạm hoạt động, trong đó phải kể đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhất là trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 26 tin báo, tố giác liên quan đến các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng từ người dân. Quá trình xác minh, đấu tranh, lực lượng Công an nhận thấy các đối tượng hoạt động lừa đảo trên không gian mạng thường sử dụng những hình thức, thủ đoạn như sau:
(1) Nhắn tin đến tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo… của nạn nhân thông báo về việc trúng thưởng tiền mặt, xe ôtô… sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền nhất định cho chúng để làm phí nhận quà.
(2) Giả danh là người nước ngoài để kết bạn, làm quen trên mạng xã hội, sau đó ngỏ ý muốn tặng quà hoặc chuyển tiền từ nước ngoài về… Sau đó chúng bố trí người giả danh nhân viên bưu điện, ngân hàng gọi điện và yêu cầu nạn nhân nộp một khoản phí nhất định để giao dịch.
(3) Sử dụng ứng dụng kiếm tiền online (Pchome, Shopping mall, Tailoc888…) mời người dùng tham gia các trò chơi điện tử, giật đơn hàng. Người chơi nạp tiền vào sẽ được liên kết và có lãi ngay lập tức. Tuy nhiên, sau khi nạp tiền thì không thấy chúng chuyển lại nữa.
(4) Giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện đến thông báo bạn đang bị điều tra hoặc nghi vấn liên quan đến một vụ án (ma túy, buôn lậu, cờ bạc…). Sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản ngân hàng, các thông tin cá nhân và chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản đó vào tài khoản của chúng để chờ xác minh, nếu không sẽ bị khởi tố, bắt giam.
(5) Giả danh các tổ chức tín dụng, ngân hàng… gọi điện cho nạn nhân mời chào vay tiền với lãi suất thấp, có cơ hội trúng thưởng những phần quà có giá trị, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Nếu muốn vay phải chuyển cho chúng một khoản phí nhất định.
(6) Quảng cáo tới các bị hại các sàn giao dịch, các dự án đầu tư với lãi suất cao, 100% có lãi (ví dụ: TBTcoin, BBi, Binance, Always Win…). Thực chất các sàn giao dịch này đều là ảo do chúng tự thiết lập. Sau khi người dùng tham gia và nạp được số tiền đủ lớn thì đối tượng sẽ xóa hết dữ liệu hệ thống và thông báo sàn đã sập.
(7) Sử dụng hình ảnh chứng từ chuyển tiền ngân hàng giả. Các đối tượng liên hệ với người Việt Nam nhờ đổi tiền Trung Quốc sang tiền Việt Nam (thường là số tiền lớn). Khi thực hiện giao dịch, đối tượng sẽ gửi hình ảnh hóa đơn chuyển tiền điện tử giả cho người mua. Do không kiểm tra kỹ, nạn nhân thực hiện chuyển tiền Việt vào các tài khoản đối tượng yêu cầu. Sau khi nạn nhân phát hiện, đối tượng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền trên.
Để không bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần:
* Thứ nhất, khi tiến hành khai thác thông tin, hoạt động, giao dịch… trên không gian mạng:
- Lựa chọn truy cập, khai thác thông tin tại các website, trang thông tin điện tử, email… chính thống, uy tín, có bản quyền. Không mua bán online, đặt cọc tiền tại những trang thương mại điện tử không có uy tín.
- Không tham gia các trò chơi có thưởng trên internet; không truy cập vào các đường link lạ; không cung cấp mã OTP, các thông tin cá nhân cho người mà bạn không rõ, không quen biết.
- Không giao dịch, vay mượn tiền của các cá nhân, tổ chức trên không gian mạng thông qua các APP trên điện thoại hoặc tin nhắn mà không rõ địa chỉ, không có uy tín, không được Nhà nước cấp phép.
- Không kết bạn, làm quen với người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những nick name người nước ngoài.
* Thứ hai, khi thấy có dấu hiệu bất thường, nghi vấn bị lừa đảo cần thực hiện như sau:
- Khi có người xưng danh là nhân viên bưu cục, ngân hàng… gọi điện, nhắn tin thông báo bạn trúng thưởng, được nhận quà tặng… cần làm rõ người gọi là ai ? gọi từ cơ quan nào và xem xét, kiểm tra lại việc bạn đã tham gia trò chơi gi, ai đã từng hứa sẽ tặng quà bạn, người đó có quen không… Tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa nắm rõ các thông tin.
- Khi nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân, thành viên các nhóm, hội trên Facebook, Zalo… với nội dung vay tiền, nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại… cần gọi điện thoại ngay cho người ấy hoặc gặp trực tiếp để xác thực thông tin.
- Khi có đối tượng xưng danh là cán bộ các cơ quan Công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra… thì cần nắm rõ họ là ai, tên tuổi, địa chỉ, cơ quan công tác, chức vụ…
- Báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được giúp đỡ./.
Văn Chung - Công an tỉnh