Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Tin ANTT và cảnh báo tội phạm

Cảnh giác với thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng Internet

28-04-2020

Mặc dù các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, mạng viễn thông, thế nhưng, do nhẹ dạ cả tin, nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
 
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 07 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 881.000.000đ bằng các hình thức như: Kết bạn qua mạng xã hội Zalo, Facebook lừa gửi quà từ nước ngoài về; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả danh chủ tài khoản gửi tin nhắn vay, mượn tiền; gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đe dọa nạn nhân có liên quan đến các đường dây tội phạm để tống tiền nạn nhân; thông báo trúng thưởng giá trị lớn sau đó yêu cầu nộp tiền để nhận quà. Cụ thể:
 
Thứ nhất, thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… các đối tượng làm quen và kết bạn với các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ. Các đối tượng đưa ra những thông tin giả giới thiệu về điều kiện, hoàn cảnh của bản thân như là quân nhân, kỹ sư, bác sỹ… hiện đang chiến đấu, làm việc ở chiến trường, đã ly hôn và sống độc thân, hiện có nguồn tài sản lớn, gửi các hình ảnh về giấy căn cước, hộ chiếu và nơi làm việc cho nạn nhân để tạo lòng tin. Sau đó đối tượng ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn như: Tiền mặt, vàng, kim cương, đồ điện tử đắt tiền… cho nạn nhân hoặc đề nghị nạn nhân nhận giúp nguồn tiền chuyển từ nước ngoài về để sau này sang Việt Nam đầu tư kinh doanh, mua bất động sản. Khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng đề nghị nạn nhân cung cấp địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh để gửi đến đồng thời gửi cho nạn nhân hình ảnh gói quà bên trong có nhiều ngoại tệ, trang sức, vật dụng đắt tiền. Sau một khoảng thời gian, các đối tượng người Việt Nam liên lạc, tự xưng là nhân viên an ninh sân bay, hải quan, nhân viên giao hàng, cán bộ thuế… đưa ra các thông tin giả cản trở việc nhận gói quà (như hàng bị tạm giữ tại sân bay vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị phải nộp lệ phí, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân, phí chuyển đổi ngoại tệ…) và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp để giải quyết vấn đề, sau khi nhận được tiền, các đối tượng nhanh chóng sử dụng hình thức chuyển tiền qua hệ thống Internet banking để chuyển lòng vòng đến nhiều tài khoản khác nhau để chiếm đoạt. Sau mỗi lần nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lại đưa ra các lý do mới cho đến khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền cho các đối tượng.
 
Thứ hai, các đối tượng sử dụng công nghệ VoIP (Voice over Internet Protocol), các ứng dụng tạo số điện thoại ảo, thiết lập các tổng đài tự động gọi đến số điện thoại của nạn nhân tự xưng là Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, đưa ra các thông tin giả để cho nạn nhân tin là họ có liên quan đến các vụ án như: Các thông tin cá nhân của nạn nhân hiện đang được sử dụng để mở tài khoản ngân hàng, trong tài khoản có lượng tiền lớn liên quan đến đường dây tội phạm ma túy; nợ tiền cước viễn thông; nợ ngân hàng…) và đe dọa sẽ bắt, tạm giam nạn nhân nếu không hợp tác, một số trường hợp các đối tượng sử các phần mềm để chỉnh sửa, cắt ghép ảnh đưa các thông tin của nạn nhân vào các Lệnh/Quyết định giả của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án rồi gửi cho nạn nhân. Khi nạn nhân lo sợ, các đối tượng nói sẽ giúp điều tra, xác minh làm rõ, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để kiểm tra, nếu xác minh không liên quan thì sẽ được trả lại đầy đủ. Do lo sợ nên một số nạn nhân đã chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm cho các đối tượng. Ngay sau khi nhận được tiền của nạn nhân, các đối tượng lập tức chuyển tiếp đến nhiều tài khoản thuộc các hệ thống ngân hàng khác sau đó chiếm đoạt.
 
Thứ ba, các đối tượng mạo danh là cán bộ ngân hàng, nhà mạng di động, nhân viên các công ty sản xuất, mua bán xe máy, ô tô gọi điện, nhắn tin cho nạn nhân thông báo trúng giải thưởng giá trị như sổ tiết kiệm, tiền mặt, xe máy, ô tô... Sau đó đối tượng yêu cầu nạn nhân nộp các khoản phí như tiền thuế, lệ phí đăng ký xe máy, ô tô, lệ phí quay phim, chụp ảnh…để nhận thưởng, khi nạn nhân đồng ý chuyển tiền các đối tượng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền vào và chiếm đoạt
 
Thứ tư, các đối tượng sử dụng phần mềm gián điệp, dụ dỗ nạn nhân truy cập vào các trang web có mã độc, các trang web giả mạo cổng thông tin điện tử của cơ quan tổ chức, trang bình chọn các cuộc thi trên truyền hình sau đó yêu cầu nhập thông tin hoặc gọi điện giả danh nhân viên kỹ thuật các công ty yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin) để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook… của người nạn nhân. Sau khi chiếm đoạt được tài khoản các đối tượng nghiên cứu tin nhắn của nạn nhân với người khác để tìm hiểu các mối quan hệ thân thiết, cách nói chuyện với bạn bè để mạo danh chủ tài khoản nhắn tin hỏi vay tiền, những người đồng ý cho vay sẽ được các đối tượng hướng dẫn chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng đã chuẩn bị để chiếm đoạt.
 
Một số trường hợp các đối tượng giả danh người ở nước ngoài mua hàng hóa sau đó gửi email, tin nhắn giả thông báo của ngân hàng về việc tài khoản đã nhận được tiền, kèm theo liên kết đến các trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, yêu cầu nạn nhân nhập thông tin tài khoản ngân hàng để nhận tiền (ví dụ: https://dichvuwesternunionquocte24hss.weebly.com). Thực chất đây là các trang web giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản.
 
Vì vậy người dân cần hết sức đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn trên, tránh tạo sơ hở để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để học tập, làm việc, giải trí tăng cao nên các đối tượng cũng gia tăng hoạt động phạm tội./.
Thu Trang – PV01


 

Tin liên quan