Tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Công an xã trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm
28-03-2022
Ngày 12/11/2021, kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tại Khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở cơ sở, luôn tiếp xúc, gần gũi với nhân dân, là đơn vị đầu tiên tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân về công tác bảo đảm an ninh, trật tự (tỷ lệ tiếp nhận tin báo chiếm 29% của toàn lực lượng Công an). Vì thế, Công an cấp xã phải kịp thời tiếp nhận, kiểm tra và xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm để nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và lực lượng Công an nói riêng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự; kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội đang diễn ra, khắc phục, giảm thiểu hậu quả thiệt hại, bảo vệ kịp thời tính mạng, tài sản của nhân dân; kịp thời xác định, bảo vệ hiện trường, thu thập, bảo quản những đồ vật, tài liệu quan trọng, có giá trị chứng minh phục vụ quá trình điều tra làm rõ của Cơ quan điều tra.
Do vậy, việc bổ sung thêm cho Công an xã trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm là hết sức cần thiết.
Nhằm cụ thể hóa thẩm quyền Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, ngày 29/12/2021, liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017, trong đó sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 (viết tắt là Thông tư liên tịch số 01). Theo đó, khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an thực hiện các công việc như sau:
- Đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng hoặc những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận;
- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.
Trong quá trình xử lý tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại điểm này mà có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;
- Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận;
- Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm hoặc cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét hoặc trưng cầu giám định ngay thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của Thông tư liên tịch số 01;
Đồng thời, Thông tư liên tịch số 01 giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.
Việc tăng thẩm quyền cho Công an xã sẽ giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho Cơ quan điều tra cấp huyện trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đồng thời nâng cao chức năng của lực lượng Công an xã trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo từ cơ sở, đảm bảo kiểm tra, xác minh kịp thời, không để tồn đọng, chậm trễ tiến độ xử lý, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm tại địa phương.
Hứa Hằng - Công an tỉnh