Lạng Sơn: Hiệu quả từ công tác vận động nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
05-08-2018
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng về Quốc phòng - An ninh và kinh tế - thương mại của cả nước; có đường biên giới dài 231,74 km, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây - Trung Quốc; có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính, 09 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới; toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố với 226 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 54 xã, thị trấn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; dân số toàn tỉnh khoảng 78 vạn người gồm 07 dân tộc chính (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay…Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) luôn được giữ vững ổn định; lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “Xã hội đen”; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện các phong trào cách mạng khác của địa phương; trong đó phải kể đến hiệu quả của công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT)…
Về tình hình VK,VLN, CCHT trên địa bàn: Là tỉnh bị ảnh hưởng nhiều do hậu quả chiến tranh để lại qua các thời kỳ chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược đến chiến tranh bảo vệ biên giới (tháng 2/1979), số lượng vũ khí, bom, mìn sót lại sau chiến tranh còn nhiều; hiện còn khoảng 32.000ha đất, rừng tại các huyện biên giới chưa được rà phá bom, mìn. Phong tục, tập quán, quan niệm của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số muốn lưu giữ, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế để tự vệ, bảo vệ mùa màng, săn bắt thú rừng; nắm bắt được tâm lý, phong tục tập quán nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội hướng dẫn và bán linh kiện để sản xuất súng tự chế… Tội phạm hình sự, ma túy, nhất là các đường dây tội phạm buôn bán ma túy qua biên giới hoạt động tinh vi, manh động, liều lĩnh, chúng thường trang bị vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ; tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ qua biên giới còn diễn biến phức tạp; nhu cầu sử dụng VLN phục vụ sản xuất còn nhiều; hiện có trên 40 doanh nghiệp sản xuất được cấp phép sử dụng vật liệu nổ (chủ yếu là khai thác đá); trên 60 cơ quan, tổ chức được phép trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; nếu không làm tốt công tác quản lý, vận động thu hồi VK, VLN, CCHT sẽ là nguy cơ tiềm ẩn hoạt động khủng bố phá hoại, tội phạm hoạt động gây bất ổn xã hội.
Thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH, ngày 30/6/2011 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 (Pháp lệnh số 16) về quản lý sử dụng VK, VLN, CCHT; Kế hoạch số 110/KH-BCA, ngày 11/5/2012 của Bộ Công an về tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT; Công an tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 06/10/2012 của UBND tỉnh về việc Tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT; Quyết định số 1476/QĐ-UBND, ngày 09/10/2012 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Công an tỉnh là Cơ quan thường trực…
Phát huy vai trò Cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã tham mưu chỉ đạo triển khai tuyên truyền thực hiện Pháp lệnh số 16 gắn với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) với nội dung, hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú; đã tổ chức tuyên truyền các quy định về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT; thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm buôn bán, tàng trữ, chế tạo, sử dụng vũ khí; cảnh báo tác hại, hậu quả do sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT; biện pháp xử lý thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện bom mìn sót lại sau chiến tranh giúp nhân dân nắm rõ và tự giác chấp hành… qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tố giác các hành vi sai phạm; vận động tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT.
Từ năm 2012 đến nay, Qua triển khai phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với trên 150 cuộc vận động tập trung và hàng trăm cuộc tuyên truyền lồng ghép, vận động cá biệt; đã chú trọng vận động nhân dân thu hồi, giao nộp VK, VLN, CCHT, kết quả như sau:
Đã tổ chức in, cấp phát 5 đợt với hơn 540.000 tờ rơi, 30.000 áp phích; biên tập và in 750 đĩa CD, trên 6.000 cuốn bản tin có nội dung tuyên truyền phòng, chống các hành vi sai phạm về VK, VLN, CCHT; vận động tuyên truyền, giáo dục cá biệt 3.110 trường hợp có nguy cơ vi phạm để phòng ngừa…
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải trên cổng thông tin điện điện tử 22 tin, bài tuyên truyền có nội dung liên quan đến giao nộp VK, VLN, CCHT; biên tập 50 tài liệu tuyên truyền lồng ghép thực hiện Pháp lệnh số 16; phát hành 06 số tờ in, hơn 700 bản tài liệu tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền hơn 50 lượt bằng xe loa điện, 10 cuộc tuyên truyền lồng ghép; 4 phóng sự … với hơn 82.323 lượt người nghe.
Phối hợp với lực lượng Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, kiên quyết ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép VK, VLN, CCHT; cấp phát tờ rơi, dán pa nô, áp phích để tuyên truyền cho hàng nghìn lượt khách du lịch và công dân xuất nhập cảnh qua lại biên giới.
Đã hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức treo băng zôn tại nơi công cộng, phát hàng nghìn tờ rơi, tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, các khu vực công cộng… Vận động, tổ chức cho 342.000 lượt hộ gia đình, 5.600 hộ kinh doanh, 60.000 lượt đoàn viên, thanh niên, 360.000 lượt học sinh, sinh viên, 94.050 lượt cán bộ, công nhân viên ký cam kết chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT; phòng cháy, chữa cháy trong các dịp Tết nguyên đán, lễ hội xuân…
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, trong 5 năm nhân dân đã tự giác giao nộp: 3.978 súng các loại (trong đó có 53 súng quân dụng, 1 súng AR15, 2 khẩu súng Cacbin, 37 súng thể thao, 2.442 súng săn các loại); 823 nòng súng săn, 08 quả bom, 23 mìn chống tăng, 01 mìn tự chế, 1.485 kíp nổ, 60 kg thuốc nổ, 308 máy sung kích điện, 04 hộp tiếp đạn, 3.133 viên đạn các loại, 34 quả đạn pháo, 207 quả lựu đạn, 77 đầu đạn pháo, 2.011 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, 50m dây cháy chậm, 14,5kg bi gang… Nhiều địa phương có cách làm hay, tổ chức ra quân quyết liệt để tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT đạt được hiệu quả cao; điển hình như:
Năm 2016, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định mở hội nghị phát động phong trào tập trung, chỉ trong vòng một tháng tổ chức ra quân xuống tận các thôn, bản, tới từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT được 44 khẩu súng săn các loại và 30 máy kích điện đánh bắt cá. Kết quả trên đã góp phần ổn định tình hình ANTT và bảo vệ được tài nguyên, môi trường sinh thái.
Tháng 5 năm 2017 xã Thái Bình, huyện Đình lập tổ chức phát động phong trào tập trung, đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động gồm 56 thành viên, chia làm 4 tổ công tác, mỗi tổ phụ trách 2 đến 3 thôn, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Trưởng Công an xã làm Phó ban, đại diện các ban, ngành đoàn thể, các thôn làm thành viên. Chỉ trong vòng 3 tháng nhân dân đã tự giác giao nộp 76 khẩu súng (Trong đó: Có 58 khẩu súng kíp, 18 khẩu súng cồn), 20 nòng súng, 01 kiếm; 1 dùi cui điện, 04 xung kích điện...
Công an tỉnh đã chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với các đường dây, băng nhóm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT. Đã phát hiện, bắt giữ 278 vụ buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, thu 21 súng quân dụng, 617 kg thuốc nổ, 285 viên đạn các loại; 9.133 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; 195 đồ chơi nguy hiểm bị cấm; đã khởi tố 29 vụ, 36 đối tượng, xử lý hành chính 188 vụ, 150 đối tượng với số tiền 799.500.000đ… Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT.
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng- Phó Chỉ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo trao Bằng khen
cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh Số 16
Ảnh: Nguyệt My - PX15
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý VK, VLN, CCHT vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác này, nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động còn chung chung, chưa sát thực tế tình hình và phong tục tập quán của nhân dân. Nhận thức của một bộ phận người dân chuyển biến chậm, chưa tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT; còn tình trạng tiếp tục sản xuất súng tự chế, sử dụng súng tự chế giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữa người thân trong gia đình. Công tác phát hiện, rà phá, thu gom các loại VK, VLN, CCHT sót lại sau chiến tranh còn bất cập… tội phạm hình sự, ma túy tiếp tục mua bán, sử dụng vũ khí để hoạt động phạm tội và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt…
Từ kết quả đạt được, Công an Lạng Sơn rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý VK, VLN, CCHT; trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt tham mưu và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; phải xác định đây là nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên, lâu dài...
Hai là, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép cuộc vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng khác của địa phương; nội dung tuyên truyền phải phù hợp với phong tục tập quán, trình độ dân trí; phải kiên trì, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín… Đối với vùng đồng bào dân tộc, cần nghiên cứu bố trí cán bộ biết ngôn ngữ, am hiểu phong tục, tập quán để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động.
Ba là, phải tăng cường lực lượng Công an xuống cơ sở, điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, xác định tính chất địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động; làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn bán VK, VLN, CCHT, nhất là trên tuyến biên giới.
Bốn là, làm tốt công tác sơ, tổng kết định kỳ, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, rút ra những kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để động viên, thúc đẩy phong trào.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý VK, VLN, CCHT trên địa bàn, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT đến toàn thể cán bộ và nhân dân hiểu và nắm vững được các nội dung cơ bản của Luật; đồng thời hướng dẫn Ban chỉ đạo huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện phù hợp thực tế tình hình địa bàn.
Hai là: Tham mưu làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với các phong trào cách mạng khác như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”… Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT, coi đây là công tác thường xuyên, liên tục, lâu dài. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Tổ An ninh, Tổ tự quản về ANTT ở cơ sở về kỹ năng, biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT.
Ba là: Chỉ đạo tăng cường lực lượng Công an chính quy cho địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn với các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… kiểm soát chặt chẽ việc thẩm lậu vũ khí trên tuyến biên giới.
Bốn là: Làm tốt công tác QLNN về VK, VLN, CCHT tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng, phục vụ sản xuất; tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác này.
Năm là: Tiếp tục làm tốt công tác sơ, tổng kết định kỳ, rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để động viên, thúc đẩy phong trào./.
Đại tá Triệu Tuấn Hải - PGĐ Công an tỉnh