Ngăn chặn, đẩy lùi “giặc lửa”
09-04-2021
"Nhất thuỷ nhì hoả", "Giặc phá không bằng nhà cháy", đó là câu nói quen thuộc của người dân từ xa xưa về hậu quả của thiên tai lũ lụt và hỏa hoạn gây ra. Cháy nổ có sức tàn phá khủng khiếp, nếu không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Hình ảnh vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội
Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh triển khai các biện pháp dập tắt triệt để đám cháy tại chợ Tân Thanh
Cán bộ phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra công tác phòng cháy tại cơ sở sản xuât gốm sứ
Nhiều người dân vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin về vụ cháy lớn xảy ra lúc 0h ngày 4/4/2021 tại một ngôi nhà trên đường Tôn Đức Thắng (thành phố Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt trong nhà, hậu quả làm 4 người tử vong (trong đó có một phụ nữ đang mang thai). Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện, lửa cháy lan ra các hàng hóa kinh doanh đồ dùng mẹ và bé rồi bao trùm toàn bộ ngôi nhà ống, mái lợp tôn hàn sắt kiên cố không có lối thoát hiểm khiến các nạn nhân không có đường thoát ra và đã tử vong khi ở trên tầng tum.
Trước đó, chỉ trong 7 ngày (ngày 25/3 và 30/3) đã xảy ra 2 vụ cháy tại nhà dân ở Thành phố Hồ Chí Minh làm chết 9 người, 1 người bị thương nặng. Liên tiếp các vụ cháy nổ tại nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản là tiếng chuông cảnh báo đối với tất cả mọi người dân cần nâng cao hơn ý thức về phòng cháy chữa cháy, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ xảy ra.
Theo Cục Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trên địa bàn cả nước khoảng 50-70% các vụ cháy là xảy ra tại nhà dân, thiệt hại về người lớn hơn rất nhiều so với các vụ cháy tại các cơ quan, xí nghiệp, xưởng sản xuất do ý thức về phòng cháy chữa cháy tại nơi ở của người dân chưa cao. Nhiều hộ gia đình chỉ có lối thoát nạn thông thường là cửa đi hằng ngày dưới tầng 1, tầng trên cùng thường làm khung sắt và mái tôn kiên cố để phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản đột nhập. Chính vì vậy trong trường hợp xảy ra cháy, khói độc và lửa bịt kín lối đi ở cửa chính làm cho các thành viên trong gia đình không thể thoát ra ngoài. Mặt khác, tại các hộ gia đình phần lớn không lắp đặt thiết bị báo cháy, thời điểm xảy ra cháy thường vào ban đêm khi mọi người ngủ say nên không phát hiện ra cháy, đến khi lửa phát triển lớn, nạn nhân không thể tự dập tắt bằng phương tiện tại chỗ.
Thượng tá Trương Thanh Xuân- Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ CAT Lạng Sơn cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và cách xử lý khi có cháy nổ xảy ra. Trong đó đã cử cán bộ trực tiếp đến các hộ kinh doanh tại gia đình kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền, nhắc nhở Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm khi có cháy nổ xảy ra. Đơn vị cũng luôn duy trì đảm bảo quân số và phương tiện chữa cháy thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h tất cả các ngày trong tuần, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin báo cháy, cứu nạn cứu hộ. Khẩn trương triển khai lực lượng đến hiện trường ngay sau khi nhận tin báo. Khi có cháy nổ xảy ra, dù bất cứ ở địa điểm nào các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đều sẵn sàng đem hết sức mình để dập lửa, cứu người, cứu tài sản.
Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả “giặc lửa” thì chỉ riêng nỗ lực của lực lượng chức năng là chưa đủ, mỗi người dân cần thực hiện phương châm “phòng cháy” hơn “chữa cháy”, quan tâm đến sự an toàn về cháy nổ trong chính ngôi nhà mình đang sinh sống. Cần sắp xếp, không để đồ đạc dễ cháy gần nguồn nhiệt (như ổ điện, bếp lửa); thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình thu dọn vật liệu dễ cháy và quản lý thiết bị điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm cục bộ sử dụng pin tại các phòng ngủ, tầng 1, bếp, nơi để xe máy - ô tô, nơi để vật liệu dễ cháy…để kịp thời cảnh báo khi cháy xảy ra, nhất trong lúc đang ngủ; trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà; trang bị cho mình kỹ năng xử lý tình huống khi hỏa hoạn xảy ra như cách chữa cháy, cách để chống bị ngạt khói, cách chùm chăn ướt để đi qua khu vực có lửa cháy, cách thoát nạn. Có như vậy mới góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do cháy nổ gây ra./.
Nguyệt My - Công an tỉnh Lạng Sơn