Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn                 Chào mừng đến với Trang thông tin Công an tỉnh Lạng Sơn

Toàn dân bảo vệ ANTQ

Vai trò quan trọng của lực lượng Công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

05-08-2018

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp và Công an tỉnh Lạng Sơn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố luôn được Cơ quan điều tra hai cấp và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và lực lượng Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp. Tin báo, tố giác đều đã được tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh giải quyết đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn pháp luật tố tụng hình sự quy định. Hằng năm, kết quả xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các lực lượng trong Công an Lạng Sơn luôn đạt ở mức cao (từ 96% trở lên); tỉ lệ điều tra khám phá tội phạm ngày càng cao; không có trường hợp nào bị bắt giữ, xử lý oan, sai hoặc để sót lọt tội phạm.
 
Để có được kết quả như trên, bên cạnh sự chủ động, tích cực và quyết liệt của lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, còn có sự tham gia rất quan trọng của lực lượng Công an cấp xã trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ ban đầu. Đây lực lượng gần dân nhất, các vụ việc liên quan đến pháp luật, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, quần chúng nhân dân đều đến Công an xã để trình báo. Vì vậy, hầu hết các tố giác, tin báo do lực lượng Công an cấp xã tiếp nhận là thông tin đầu tiên, quan trọng để Cơ quan điều tra làm cơ sở kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, xác minh xác định có hay không có sự việc phạm tội xảy ra để xử lý theo quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra thực tế tại một số đơn vị Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh thấy, các đồng chí Trưởng, Phó Công an xã, thị trấn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân đến giải quyết công việc và tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm bằng nhiều hình thức, chủ yếu các tố giác, tin báo về hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, chơi đánh bạc, lô, đề; mua bán, sử dụng nhỏ lẻ trái phép chất ma túy…. Đặc biệt là các tố giác, tin báo đối với vụ việc hình sự quả tang, các vụ việc hình sự đơn giản, đã rõ đối tượng, chiếm tỷ lệ khoảng 80% các vụ việc đều được Công an cấp xã trực tiếp tiếp nhận, xử lý kịp thời, tiến hành thu thập, lập hồ sơ ban đầu trước khi chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra tiến hành thụ lý, điều tra theo thẩm quyền. Đối với các tố giác, tin báo về tội phạm nguy hiểm, phức tạp, lực lượng Công an xã đã chủ động phối hợp chặt chẽ, giúp Cơ quan điều tra nắm bắt được địa bàn, khoanh vùng, sàng lọc đối tượng gây án, tiếp xúc, vận động đối tượng đầu thú, tự thú, góp phần quan trọng trong việc phá án, mở rộng điều tra vụ án. Do vậy, trong những năm qua, lực lượng Công an xã trên địa bàn luôn được đánh giá cao và thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
 
Tuy nhiên, do đặc thù Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, nhiều thôn, nhiều xã còn khó khăn, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn hạn chế; hệ thống giao thông xuống cấp, đi lại khó khăn; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp khó lường;... lực lượng Công an xã chưa qua đào tạo nghiệp vụ còn nhiều; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn còn thiếu. Có nơi, có lúc chưa triển khai thực hiện đúng, đầy đủ quy trình về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; chưa sử dụng biểu mẫu tiếp nhận tố giác, tin báo theo quy định của ngành Công an; có tình trạng tự ý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm thẩm quyền và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn Công an cơ sở làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội
(Ảnh: Phùng Huy-PV24)
Từ ngày 01/01/2018, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự có hiệu lực và thay thế Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, đã bổ sung quy định giao cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an được tiếp nhận, kiểm tra thông tin ban đầu về tố giác, tin báo tội phạm; phân biệt rõ trách nhiệm của Công an xã với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an phù hợp với thực tiễn, cũng như trình độ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị này. Đây là một trong những điểm mới của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và là cơ sở pháp lý quan trọng để cho lực lượng Công an cấp xã kịp thời, chủ động triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến tố giác, tin báo về tội phạm trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác này; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy định mới của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đối với lực lượng Công an cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
 
- Đối với Công an cấp xã: Tiếp tục triển khai, nghiên cứu, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Quán triệt nghiêm túc và quan tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra:
 
+ Thường xuyên cập nhật, bổ sung và thông báo, niêm yết công khai số điện thoại Trực ban hình sự Công an các cấp; số điện thoại của Trưởng, Phó Trưởng Công an xã để quần chúng nhân dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn biết, thực hiện việc tố giác, báo tin về tội phạm thuận lợi, kịp thời.
 
+ Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, trường hợp do địa bàn xa, đi lại khó khăn hoặc cần thiết phải thu thập, kiểm tra thông tin mà Cơ quan điều tra có thẩm quyền không đến tiếp nhận ngay được, Công an xã phải kịp thời báo cáo, thông tin cho Công an cấp trên bằng hình thức liên lạc nhanh nhất, đồng thời tiến hành lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan đến cơ quan công an có thẩm quyền để giải quyết.
 
+ Các tố giác, tin báo về tội phạm sau khi tiếp nhận, xử lý phải được ghi chép, thể hiện đúng, thống nhất theo các biểu mẫu do Bộ Công an quy định và được lưu trữ khoa học, đầy đủ. Công an các xã, thị trấn cần chủ động liên hệ, báo cáo Công an huyện, thành phố và cấp ủy, chính quyền cơ sở để in, sao hệ thống các biểu mẫu cho phù hợp với tình hình an ninh trật tự ở địa bàn.
 
- Đối với Công an cấp huyện: Đề nghị quan tâm tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra đối với Công an xã, thị trấn về công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm phù hợp chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã. Tập trung hướng dẫn Công an xã làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo; tham gia giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ… của người tố giác, báo tin khi có yêu cầu; hướng dẫn ghi lời khai, thu thập tài liệu ban đầu đảm bảo các thông tin cần thiết để làm cơ sở tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo.
 

- Đề nghị Phòng chức năng Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, thanh tra để kịp thời phát hiện những sở hở, thiếu sót trong công tác này ở các đơn vị, nhất là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, qua đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong toàn tỉnh./. 

Phùng Quang Huy - Phòng PV24

Tin liên quan