Tin ANTT và cảnh báo tội phạm
Tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
19-11-2020
Bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó, xảy ra dưới nhiều khía cạnh như: Bạo lực gia đình, tảo hôn, ép hôn, mua bán người, lạm dụng tình dục trẻ em, mại dâm cưỡng bức, quấy rối tình dục, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi... Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bạo lực trên cơ sở giới gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng. Đối với nạn nhân: Bạo lực giới ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần như mắc các bệnh qua đường tình dục, mất trí nhớ, tâm thần, sợ hãi, trầm cảm…; ảnh hưởng về kinh tế; ảnh hưởng về xã hội như bị cô lập, kỳ thị… Đối với gia đình: Bạo lực giới làm kinh tế gia đình giảm sút, mối quan hệ gia đình bị phá vỡ, mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống gia đình không thể kéo dài. Đối với xã hội: Bạo lực giới được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới, gây tiêu tốn chi phí, thiệt hại về năng suất lao động, thiệt hại về kinh tế và cản trở sự phát triển của xã hội.
Thực tế cho thấy nhận thức về vấn đề bình đẳng giới trong các nhóm xã hội như gia đình, dòng họ, làng xã, dân tộc, nghề nghiệp… vẫn chưa đồng đều, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội. Điều đáng buồn hơn, nhiều phụ nữ, trẻ em vẫn đang còn cam chịu bởi bạo lực giới, bị tổn thương về thể xác và tinh thần. Theo thống kê từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 23 vụ bạo lực gia đình (đã xử lý hình sự 11 vụ/11 đối tượng; xử lý hành chính 11 vụ/12 đối tượng; đang xác minh 01 vụ); 17 vụ/17 trẻ em bị xâm hại (đã điều tra làm rõ 16 vụ/28 đối tượng; đang xác minh 01 vụ); phát hiện, bắt giữ 02 vụ 03 đối tượng mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người và tặng quà phụ nữ nghèo vượt khó tại xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình
Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch triển khai từ ngày 15/11/2020 -15/12/2020 nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an các cấp trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó tập trung triển khai các hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người, bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, chiến sỹ tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới chung tay cùng cộng đồng xây dựng một xã hội bình đẳng không có bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh thăm và tặng quà phụ nữ và trẻ em nghèo nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng
Trong thời gian tới, để công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng có hiệu quả, lực lượng Công an các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại phụ nữ và trẻ em; làm tốt công tác tiếp nhận đơn thư, tin báo tố giác về tội phạm; kiến nghị, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa nhân dân các cấp trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án liên quan bạo lực giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, công tác phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa, tuân thủ pháp luật cho quần chúng Nhân dân; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sự tham gia, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung; tội phạm mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình nói riêng.
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là trong chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các dự án xóa đói giảm nghèo nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số… gắn với lồng ghép thực hiện chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh việc giáo dục về giới và bình đẳng giới tại nhà trường, qua đó, giúp cho thanh thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống; tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không có tội phạm, bạo lực và tệ nạn xã hội; kiến nghị cơ quan chức năng cần có những chủ trương, giải pháp tạo không gian, môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em học tập, vui chơi.
Bản thân phụ nữ và trẻ em cần chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại; xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, cam chịu và định kiến giới; có ý chí tự lập, tự cường, tự nâng cao trình độ, nhận thức về bình đẳng giới; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại; tích cực tham gia các hoạt động vì bình đẳng giới tại cộng đồng.
NGUYỄN HIỀN - PX03
Công an tỉnh