Một số điểm mới của Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
06-11-2020
Dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIV lần này. Dự luật được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới tình hình TTATGT. Trong đó có một số điểm mới đáng lưu ý như:
Bảo vệ trẻ em và người yếu thế
Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền con người, Dự Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có nhiều quy định bảo vệ trẻ em và nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông, như: Mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn; Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tạo lái xe, cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của ngành Y tế; trẻ em dưới 4 tuổi ngồi trên ôtô phải có ghế thiết kế riêng; trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi hàng ghế trên cùng của ôtô; Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Đấu giá biển số xe
Theo Dự luật, mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp; cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe. Bộ Công an thực hiện việc tổ chức đấu giá biển số xe theo hình thức đấu giá trực tuyến đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích, nguyện vọng; đảm bảo đầy đủ các quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt biển số xe của người sở hữu sau khi đấu giá.
Quy định về điểm của Giấy phép lái xe
Việc quy định trừ điểm và phục hồi điểm giấy ghép lái xe thời gian qua được dư luận quan tâm và cho rằng đây là một biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay. Chính phủ đã bàn kỹ và thống nhất đề xuất quy định trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước (không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới để quản lý, giám sát quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Dự luật quy định GPLX có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới.Trong 12 tháng người lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi điểm nhằm khuyến khích người lái xe nâng cao và có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Giải quyết tai nạn giao thông: Bỏ tư duy “Xe to đền xe nhỏ”
Xác định tai nạn giao thông là hậu quả không mong muốn nên khi xảy ra thì phải giải quyết, xử lý trên cơ sở xác định trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời phải giải quyết bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đúng quy định. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân gây tai nạn, hậu quả để làm căn cứ bồi thường, không giải quyết theo kiểu “xe to đền xe nhỏ”.
Ngoài ra Dự luật còn một số điểm mới như Bộ Công an đảm nhiệm việc quản lý, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (hiện công việc này do Bộ Giao thông Vận tải đảm nhiệm). Bộ Công an cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như tập trung đào tạo kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng và coi đây là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá kết quả sát hạch lái xe; trong quá trình đào tạo, học viên bắt buộc phải học về sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ; rút xuống còn 11 hạng giấy phép lái xe (bỏ hạng A4; hạng B1, B2 gộp thành hạng B) nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng Giấy phép lái xe của Việt Nam ở nước ngoài và giấy phép lái xe nước ngoài tại Việt Nam.
Những điểm mới của Dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cơ bản được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá đây là biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần làm giảm tai nạn giao thông./.
NGUYỆT MY
Công an tỉnh Lạng Sơn